Mềm mềm xốp xốp bánh tam giác mạch cực lạ ở Hà Giang
Hạt tam giác mạch được thu hoạch từ loài hoa cùng tên đã được người dân đồng bào dân tộc Hà Giang chế biến thành một món bánh xốp xốp, mềm mềm gây thương nhớ với du khách. Cảm giác được thưởng thức những chiếc bánh tam giác mạch vàng ươm bên cạnh bếp lửa hồng, bạn đã thử chưa?
Bánh tam giác mạch Hà Giang được làm từ gì?
Vào những ngày đầu đông, vùng cao nguyên đá Hà Giang khoác lên minh lớp áo hoa xinh xắn, nổi bật cả một khoảng trời Đông Bắc. Cứ đến mùa hoa tam giác mạch bung nở, khoe sắc thì các vị khách phương xa lại có cơ hội hẹn gặp nhau ở đây. Bởi có lẽ ai ai cũng sẽ dành một tình cảm đặc biệt và dễ dàng bị loài hoa này hớp hồn lúc nào không hay.
Mùa tam giác mạch nở ở Hà Giang
Hoa tam giác mạch mang lại cảm giác giản dị, mộc mạc, xinh xắn với màu sắc đa dạng mang sắc thái của riêng mình. Khi trắng dịu dàng tinh khôi, lúc lại ngả sang màu hồng lãng mạn, lúc thì lại đỏ rực rỡ và quyến rũ nhiều du khách bởi sắc tím mộng mơ. Chắc chắn khi đã được chiêm ngưỡng thì bạn sẽ mê mẩn mãi trong cảnh sắc tuyệt vời ấy.
Hoa tam giác mạch có rất nhiều sắc thái
Không chỉ ở riêng Hà Giang có hoa tam giác mạch mà ở nhiều huyện khác ở vùng núi cao Tây Bắc cũng có thể trồng được loài hoa đẹp này. Thế nhưng phải đến Hà Giang và lạc bước vào thiên đường của hoa tam giác mạch thì bạn mới cảm thấu được vẻ đẹp trọn vẹn nhất.
(Ảnh: leeleehuynh)
Nhiều người thường cho rằng tam giác mạch đơn thuần chỉ là một loài hoa có sức hút khá lớn để lôi kéo nhiều du khách đi du lịch Hà Giang. Thế nhưng không nhiều người biết rằng, loài hoa này còn là nguyên liệu để có thể làm ra một thứ bánh tuyệt ngon mang tên bánh tam giác mạch.
Hạt tam giác mạch
Bánh tam giác mạch
Quy trình làm bánh tam giác mạch Hà Giang
Công đoạn để làm ra một chiếc bánh tam giác mạch thơm ngon, chuẩn bị khá cầu kỳ và trải qua nhiều bước để thực hiện. Đầu tiên, sẽ hái hoa tam giác mạch về, tiến hành lấy hạt hoa, đem phơi khô đủ độ thì sẽ mang đi xay thủ công. Quá trình xay cũng vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận cho đến lúc hạt mịn đều để khi nướng bánh lên sẽ không bị cợn. Tiếp tục, người nấu sẽ nấu bột chung với nước rồi đúc thành các miếng bánh có hình tròn dẹt. Đường kính bánh thường dài hơn một gang tay, khi cho vào khuôn sẽ đem đi hấp chín ở trên bếp lửa trong thời gian khoảng 10 phút để bánh chín đều khắp. Ngày nay có thêm loại bánh tam giác mạch giòn để phục vụ mang về làm quà của nhiều du khách.
(Ảnh: meo_ly)
Bánh được nướng trên bếp than hồng
Trong thời tiết se lạng của cao nguyên đá Đồng Văn, ghé thăm chợ phiên nhộn nhịp, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp được hinh ảnh nhiều người quây quần bên bếp lửa nhỏ, háo hức chờ đợi món bánh nóng thơm. Khi bẻ miếng bánh đầu tiên bạn sẽ cảm nhận được hương bị hăng hăng đâmh chất cây rừng. Bánh tam giác mạch sẽ được sắp xếp thành các chồng và có chung một màu sắc là tím đầy mời gọi.
(Ảnh: thuyhang.chill)
Hương vị bánh tam giác mạch
Nhiều du khách thường cảm thán lên rằng: "khi ăn miếng bánh đầu tiên thì vị giác đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi vị bánh rất xốp và mềm. Khi nhâm nhi chầm chậm từng chút một thì vị ngọt sẽ bắt đầu lan tỏa dần trong miếng. Bánh không quá khô cũng không quá ướt. Đặc biệt nhất có lẽ chính là vị cây rừng đặc trưng ở miền cao nguyên sơn cước Hà Giang
Bánh bùi bùi, xốp xốp
Bánh tam giác mạch Hà Giang nhìn thoáng qua thì khá phổ thông nhưng lại có những sắc thái riêng so với những loại bánh khác. Dù sở hữu vị ngọt, bùi, hăng nhưng qua bàn tay khéo léo của người dân tộc vùng cao thì bánh lại mang hương vị độc nhất. Bởi thế dù cho bạn đã từng thưởng thức bánh tam giác mạch ở Mộc Châu hay ở vùng nào khác thì vẫn khó có thể nào quyên được mùi vị của những chiếc bánh tam giác mạch thơm lừng ở Hà Giang.
Vị ngon của bánh khiến nhiều du khách xuýt xoa
Địa chỉ thưởng thức bánh tam giác mạch
Là một đặc sản Hà Giang nổi tiếng nên bánh tam giác mạch được bày bán nhiều ở các buổi họp chợ phiên. Một chiếc bánh to, nóng hổi thường có giá từ 10 - 15k. Sau đây là một số phiên chợ mà du khách ghé đến để thưởng thức và mua bánh tam giác mạch về làm quà.
Huyện Quản Bạ:
– Chợ ở tại thị trấn Tam Sơn, thường sẽ họp vào sáng thứ 7
– Chợ Tráng Kìm: sẽ họp sáng thứ 7.
Huyện Yên Minh:
– Chợ Du Già: họp vào sáng thứ 6 mỗi tuần.
– Mậu Duệ: sẽ họp vào sáng chủ nhật.
– Sủng Tráng: sẽ họp vào sáng chủ nhật.
Huyện Đồng Văn:
– Chợ ở thị trấn Đồng Văn: họp vào sáng chủ nhật.
– Phố Cáo: sẽ họp vào ngày Thìn, ngày Tuất.
– Phó Bảng: sẽ họp vào ngày Ngọ và ngày Tý.
Huyện Mèo Vạc:
– Chợ trung tâm: sẽ họp vào sáng chủ nhật.
– Khâu Vai: sẽ họp vào sáng những ngày mùng 2, 7, 12, 17,22, 27 (âm lịch).
– Sủng Trà: sẽ họp vào thứ 7.
Bánh thường được bán ở các chợ phiên (Ảnh: thuyvivupt)
Lên vùng cao Hà Giang những ngày đông se lạnh, vừa được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, vừa nhấm nháp miếng bánh tam giác mạch bùi bùi xốp xốp thì quả là tuyệt vời. Cảm giác tâm hồn lúc đó dường như lắng đọng lại, hòa chung với vẻ đẹp của vạn vật nơi đây.
Thu Mơ (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet