Lữ hành Việt Nam tìm hướng đi mới hậu Covid-19
Hải PhòngĐẩy mạnh du lịch nội địa đi kèm kích cầu dài hạn và áp dụng chuyển đổi số... là những giải pháp lữ hành Việt cần tập trung.
Chiều 12/1, diễn đàn "Lữ Hành Việt Nam 2021 - Giải pháp khôi phục và phát triển" được tổ chức tại Cát Bà. Ông Nguyễn Công Hoan, tổng giám đốc Flamingo Redtours xác định 2021 vẫn sẽ là năm khó khăn của ngành du lịch.
Ông Hoan cho rằng, cần xác định du lịch trong nước là chiếc phao cứu sinh của ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng trong năm 2021. Khi "miếng bánh" chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị, từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần.
Ngoài ra, để khôi phục và phát triển du lịch, vai trò liên minh liên kết phải đi vào chiều sâu, thực chất hơn, ví như kích cầu du lịch cần thời gian dài và quy mô hơn (không phải vài tháng mà có thể kéo dài 1-2 năm).
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, những năm qua doanh nghiệp lữ hành bỏ quên thị trường nội địa rộng lớn. Chưa biết khi nào có thể "mở bầu trời" trở lại để đón khách nước ngoài, các doanh nghiệp phải tập trung vào du lịch nội địa trong năm 2021. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng bất lợi đến ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cần đổi mới quản trị doanh nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, hiểu đúng đặc điểm, nhu cầu khách hàng, thị trường, hướng tới phát triển bền vững.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) cũng nhận định: "Sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành luôn tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành du lịch. Covid-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch".
Đồng quan điểm đó, ông Phùng Quang Thắng, giám đốc công ty Hanoitourist, cho hay đại dịch Covid-19 thay đổi xu thế du lịch của thế giới. Doanh nghiệp cần tập trung phát triển du lịch bền vững; tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong du lịch cộng đồng; chuyển đổi số; đánh giá lại thị trường quốc tế đồng thời tăng cường xúc tiến du lịch nội địa.
Cát Bà, điểm đến mới cho du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội thảo hội nghị (MICE). Ảnh: Flamingo Cat Ba
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam và UBND huyện Cát Hải; giữa Liên minh kích cầu du lịch miền Bắc, Liên minh kích cầu du lịch miền Nam và tập đoàn Flamingo Holding; giữa 3 Hiệp hội Du lịch TP HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng; giữa Câu lạc bộ Du lịch MICE và Tập đoàn Flamingo Holding về phát triển du lịch MICE cho Cát Bà.
Diễn đàn diễn ra với gần 500 đại biểu gồm lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), các doanh nghiệp, hiệp hội lữ hành các tỉnh, thành phố. Diễn đàn là sự kiện do Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng, UBND huyện Cát Hải tổ chức. Trong diễn đàn, các các chuyên gia, lãnh đạo, các doanh nghiệp lữ hành nêu ý kiến khắc phục hậu quả của Covid-19, triển khai và phát triển du lịch ở bối cảnh vẫn phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho xã hội.
Du lịch nội địa được khuấy động lại
Khánh Trần