Tại sao Tiếng Anh của nhân viên khách sạn Việt kém?

Tại sao Tiếng Anh của nhân viên khách sạn Việt kém? “Không cần quá giỏi, chỉ cần mình nghe - hiểu khách muốn gì để phục vụ đúng và ngược lại, mình nói, khách nghe - hiểu điều mình muốn truyền đạt là được. Một chút lỗi sai về cách dùng từ, phát âm, ngữ pháp… có thể bỏ qua, vì không quan trọng trong giao tiếp cơ bản” Một lễ tân khách sạn 3 sao đã trả lời như thế khi được hỏi: “Lễ tân nói riêng và nhân viên khách sạn nói chung có cần giao tiếp tiếng Anh giỏi?” Đúng không nhỉ? Thật ra không ai khó khăn đến mức đi bắt bẻ những lỗi bé bé khi giao tiếp thông thường, khác với làm bài kiểm tra, sai ở đâu thì bị trừ điểm ở đó. Khách nước ngoài có người thông cảm nên vui vẻ bỏ qua - nhưng cũng có người khó chịu vì cho...

“Không cần quá giỏi, chỉ cần mình nghe - hiểu khách muốn gì để phục vụ đúng và ngược lại, mình nói, khách nghe - hiểu điều mình muốn truyền đạt là được. Một chút lỗi sai về cách dùng từ, phát âm, ngữ pháp… có thể bỏ qua, vì không quan trọng trong giao tiếp cơ bản”

Một lễ tân khách sạn 3 sao đã trả lời như thế khi được hỏi: “Lễ tân nói riêng và nhân viên khách sạn nói chung có cần giao tiếp tiếng Anh giỏi?”

Đúng không nhỉ?

Thật ra không ai khó khăn đến mức đi bắt bẻ những lỗi bé bé khi giao tiếp thông thường, khác với làm bài kiểm tra, sai ở đâu thì bị trừ điểm ở đó. Khách nước ngoài có người thông cảm nên vui vẻ bỏ qua - nhưng cũng có người khó chịu vì cho rằng người đối diện mình giao tiếp kém, mắc lỗi phát âm cơ bản khiến họ dễ hiểu sai khi nghe phải từ na ná thế, như vậy là thiếu chuyên nghiệp. Quản lý khách sạn cũng đánh giá thấp năng lực và khả năng tiếp thu để cải thiện tốt hơn của nhân viên, cơ hội thăng tiến lên các vị trí quản lý cũng trở nên khó khăn hơn…

Vậy do đâu mà tiếng Anh của nhân viên khách sạn Việt kém?

Câu trả lời là rất nhiều và không ai giống ai. Nhưng nhìn chung, lỗi giao tiếp tiếng Anh kém của phần đa nhân viên khách sạn xuất phát từ một, một vài hoặc nhiều hơn từ các nguyên nhân sau đây:

[Nói thêm: dĩ nhiên vẫn có các bạn được đào tạo chính quy hay nỗ lực tự học, rèn luyện để hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, giao tiếp tốt, tự tin, trôi chảy và chuẩn như người bản xứ. Do đó, bài viết này chỉ phân tích lý do yếu giao tiếp bởi:]

Dạy sai

Giáo viên phát âm sai dẫn đến học sinh/ sinh viên/ học viên nghe - học - thực hành phát âm sai, lâu dần thành “lối” nên khó sửa. Lỗi này phổ biến với trường lớp, trung tâm ở vùng quê khó khăn ít điều kiện tiếp xúc thêm với internet hay giáo viên lớn tuổi hơi bảo thủ với cách phát âm của mình.

Phương pháp học sai

Đa dạng phương pháp học tiếng ở thời đại công nghệ 4.0. Trong đó, tự học online trực tuyến tại nhà được nhiều người lựa chọn vì linh hoạt thời gian, tiết kiệm chi phí, lại nhiều tài liệu. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này chính là rất dễ phát âm sai do không có người nghe để sửa trực tiếp, lâu ngày hình thành thói quen rất khó sửa (tương tự như việc giáo viên dạy sai).

Không chịu thực hành và hoàn thiện

Nhiều người cứ học và học mà không tìm cách để thực hành: với bạn bè, khách hàng là người nước ngoài; từ đó, giao tiếp tự nhiên hơn hoặc phát hiện các lỗi sai về phát âm, nhấn nhá, dùng từ, ngữ pháp… để sửa chữa. Cứ thế, kỹ năng nghe - nói và phản xạ không thể cải thiện để tốt hơn, giao tiếp bị vấp, thiếu tự tin, gượng gạo…

Không được đánh giá cao

Cả người đi làm lẫn doanh nghiệp làm dịch vụ cũng tỏ ra dễ dãi trong việc kiểm tra, đánh giá khả năng giao tiếp tiếng Anh của một số vị trí phổ thông trong khách sạn. Nhiều người mang tư tưởng chỉ lễ tân, nhân viên phục vụ, bartender hay những ai tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với khách mới chú trọng nâng cao và trau dồi kỹ năng ngôn ngữ. Còn lại, các vị trí khác như buồng phòng, bảo vệ, bellman… không cần thiết, có thể nhờ nhân viên khác hỗ trợ khi cần. Chính điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ nói chung của khách sạn, khi khách nước ngoài cần giúp đỡ nhưng nhân viên lại ấp úng rồi bỏ chạy.

Giao tiếp tiếng Anh kém vẫn luôn là điểm yếu của hầu hết nhân sự ngành khách sạn tại Việt Nam nói chung. Nhiều người thoạt nhìn thì ngỡ nói chuẩn, phát âm đúng nhưng nghe kỹ mới thấy còn đó rất nhiều lỗi sai. Trong khi đặc thù công việc phải tiếp xúc và giao tiếp, phục vụ khách nước ngoài mỗi ngày, do đó, Hotelier muốn làm việc trôi chảy, được đánh giá cao, thu nhập ổn định và nhanh thăng tiến… bắt buộc phải trau dồi và giỏi tiếng Anh, không chỉ giao tiếp mà cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết ./.

​Ms. Smile

Có thể bạn muốn xem