Sự cố chất lượng dịch vụ khách hàng và 9 tình huống điển hình cần tránh
Sự cố chất lượng dịch vụ khách hàng và 9 tình huống điển hình cần tránh
Quá trình phục vụ khách lưu trú trong khách sạn đôi khi sẽ gặp phải những sai sót. Nhìn nhận sự cố đó như thế nào và xử lý ra sao là điều dân ngành cần tìm hiểu và trang bị thêm cho mình mỗi ngày...
(Chia sẻ trong bài viết trích dẫn từ cuốn sách “Tâm lý khách hàng và nghệ thuật phục vụ 5 sao” của tác giả Bùi Xuân Phong. Nếu muốn sở hữu tài liệu hữu ích này, bạn có thể đặt mua qua các web bán sách online)
► Phản ứng của khách hàng khi nhân viên khách sạn sai sót
Chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng trong ngành khách sạn là do con người tạo ra và cũng do con người đánh giá. Vì thế, sai sót trong tác nghiệp hay sự cố dịch vụ là điều không thể...
Quá trình phục vụ khách lưu trú trong khách sạn đôi khi sẽ gặp phải những sai sót. Nhìn nhận sự cố đó như thế nào và xử lý ra sao là điều dân ngành cần tìm hiểu và trang bị thêm cho mình mỗi ngày...
(Chia sẻ trong bài viết trích dẫn từ cuốn sách “Tâm lý khách hàng và nghệ thuật phục vụ 5 sao” của tác giả Bùi Xuân Phong. Nếu muốn sở hữu tài liệu hữu ích này, bạn có thể đặt mua qua các web bán sách online)
► Phản ứng của khách hàng khi nhân viên khách sạn sai sót
Chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng trong ngành khách sạn là do con người tạo ra và cũng do con người đánh giá. Vì thế, sai sót trong tác nghiệp hay sự cố dịch vụ là điều không thể tránh khỏi. Chuẩn bị kỹ càng các phương án ứng phó với điều không thể tránh khỏi là chuẩn mực bắt buộc đối với những người phục vụ. Trong hầu hết các tình huống tác nghiệp sai sót hoặc sự cố dịch vụ, cách thức xử lý nhanh chóng, tinh tế và chân thành của chúng ta sẽ khiến khách hàng bỏ qua những khó chịu, quên đi những phiền toái và thậm chí cảm thấy gắn bó và gần gũi với khách sạn hơn. Chúng ta vẫn thường nghe những phản ứng như “Việc xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Không ai muốn như thế nhưng mà thái độ như vậy là không thể chấp nhận được”, “Với anh thì chuyện đó không đáng để nói nhưng quanh co lấp liếm từ quản lý đến nhân viên như thế thì anh phải làm cho ra nhẽ” hay “Chị biết các em không cố ý nhưng thà rằng nhận lỗi ngay từ đầu thì chị cũng không bắt bẻ làm gì”… Thậm chí trong vai khách hàng, có đôi lần chúng ta cũng cảm thấy khó chịu và phản ứng tương tự. Những nụ cười thân thiện của bạn, cử chỉ ân cần và chu đáo của bạn, hành động đáp ứng kịp thời mong muốn của khách hàng là những ấn tượng tuyệt vời đối với khách hàng trong suốt quá trình trải nghiệm dịch vụ. Khi dịch vụ gặp sự cố, cho dù khách hàng phản ứng theo chiều hướng như thế nào, bạn vẫn giữ được sự thân thiện, ân cần và chu đáo, bạn vẫn phản ứng nhanh chóng và kịp thời để khắc phục, thì những ấn tượng tuyệt vời đó sẽ trở thành ấn tượng suốt đời không quên với khách hàng.Thái độ khi xử lý sự cố là yếu tố quyết định sự khó chịu hay hài lòng nơi khách hàng
Con người dù đến từ nền văn hóa nào cũng ghét cay ghét đắng sự tráo trở và giả dối. Mọi chuyện suôn sẻ thì bạn cười tươi thân thiện, khách hàng dễ thương thì bạn ân cần và chu đáo. Đến khi có sự cố hay khách hàng nhăn nhó thì người phục vụ thay đổi thái độ ngay lập tức, thậm chí hiện nguyên hình của kẻ côn đồ, xấc xược. Khách hàng có thể đúng hoặc sai nhưng thái độ tiêu cực của bạn đối với họ khi để xảy ra sự cố dịch vụ là sự phản bội. Vì hiểu rằng “nhân vô thập toàn” nên khách hàng của chúng ta và thậm chí chính chúng ta hầu hết không phản ứng nhằm mục đích yêu cầu bồi thường những thiệt hại về vật chất, mà vì bị tổn thương bởi thái độ của người phục vụ. Nếu hiểu rằng khi cảm xúc bị tổn thương thì khách hàng có thể nhấn chìm chúng ta và những thành tựu dịch vụ mà chúng ta đã dày công gây dựng, thì tại sao ở chỗ này hay chỗ khác vẫn có những tai nạn nghiêm trọng xảy ra do thái độ không đúng mực của người phục vụ? Điều gì ẩn chứa đằng sau những thái độ tiêu cực, những hành động lấp liếm khiến khách hàng phiền lòng?► Làm thế nào để ứng phó với sự cố dịch vụ?
Hầu hết các thất bại trong việc khôi phục dịch vụ từ thái độ tiêu cực cho đến những hành động phản cảm là do không có chiến lược ứng phó với sự cố bài bản và chu đáo. Khi người phục vụ không hiểu rõ về một quy trình khôi phục sự cố dịch vụ. Cứ mười vụ thì chỉ có một vụ được xử lý theo cách khiến khách hàng hài lòng. Như vậy, giải pháp đầu tiên trong chiến lược ứng phó với sự cố là các khách sạn cần tập trung nỗ lực “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để ngăn chặn khả năng xảy ra sự cố. Các khách sạn cần xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng, thường xuyên xem xét các quy trình phục vụ cũng như năng lực của người phục vụ, qua đó thực hiện những giải pháp mạnh mẽ, thiết thực nhằm khắc phục những điểm hạn chế trong quy trình và con người của mình. Các bình luận của khách hàng trên mạng xã hội, các trang bán hàng trực tuyến hoặc phản hồi từ các phiếu khảo sát chất lượng dịch vụ là những dữ liệu chủ yếu để khách sạn phát hiện khoảng trống năng lực hay những lỗ hổng dịch vụ, từ đó, xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ hoặc triển khai sáng kiến cải tiến dịch vụ.
Khi xử lý sự cố, nhân viên khách sạn cần thể hiện sự quan tâm và chia sẻ cảm xúc khó chịu nơi khách hàng
Tất cả được gói gọn trong cấu trúc mở đầu bằng câu “Em xin lỗi anh/chị và rất lấy làm tiếc về việc này”, tiếp theo, là lắng nghe và tóm lược lại nội dung khách hàng phàn nàn để kết thúc “Em là (tên của bạn) ở (tên bộ phận của bạn). Em sẽ thực hiện việc này ngay bây giờ/sau năm phút nữa”. Đặc biệt, dù khách hàng đúng hay sai, thì họ mãi mãi là khách hàng của chúng ta, cho nên bạn phải luôn lịch sự và chuyên nghiệp khi ứng xử mọi tình huống xảy ra. Xây dựng các kịch bản và huấn luyện cách xử lý các tình huống bằng cách diễn giả định theo các kịch bản là phương pháp đào tạo hiệu quả và hấp dẫn trong nghề dịch vụ. Nhiều đồng nghiệp của tôi thường có thói quen gắn việc đào tạo và huấn luyện nhân viên với phòng nhân sự hoặc bộ phận đào tạo. Tư duy như vậy là không đúng. Trong ngành dịch vụ nói chung và nghề khách sạn nói riêng, người quản lý chính là những chuyên gia đào tạo và huấn luyện trực tiếp cho nhân viên của mình chứ không phải là những đồng nghiệp ở phòng nhân sự hay bộ phận đào tạo. Những tình huống phong phú và sâu sắc từ chính thực tế hoạt động dịch vụ được đưa vào kịch bản, bằng kinh nghiệm lâu năm và chuyên môn vững vàng, người quản lý dịch vụ sẽ dẫn dắt và trau dồi kỹ năng cho đội ngũ nhân viên. Giải pháp cuối cùng trong chiến lược sẵn sàng cho các sự cố dịch vụ là chính sách khắc phục sự cố dịch vụ. Điều ẩn chứa đằng sau những thái độ tiêu cực, những hành động lấp liếm khiến khách hàng phiền lòng thực ra chính là việc không có một chính sách khắc phục sự cố dịch vụ trong khách sạn hoặc bất kỳ tổ chức dịch vụ nào. Khi đó, huấn luyện, đào tạo hay chuẩn bị các tình huống ứng phó sự cố dịch vụ là vô nghĩa hoặc kém hiệu quả. Tại sao Ritz-Carlton được ca ngợi về chất lượng dịch vụ? Bởi vì chính sách tuyệt vời dành cho mỗi nhân viên 2 nghìn đô-la Mỹ để tự quyết những cách thức đáp ứng mong muốn của khách hàng nằm ngoài khuôn khổ phục vụ hoặc những phương án xử lý sự cố dịch vụ mà không cần mất thời gian xin phê duyệt từ lãnh đạo. Chính sách của Ritz-Carlton là một gợi ý kinh điển cho chúng ta. Khi không có một chính sách rõ ràng và nhân văn thì người phục vụ sẽ trở nên vô cảm trước những bức xúc của khách hàng. Họ sẽ né tránh và chống đỡ để bảo vệ chính bản thân họ trước mà không quan tâm đến quyền lợi của khách hàng. Viện dẫn các quy trình tác nghiệp chỉ để từ chối khách hàng, thụ động trong các tình huống phục vụ nằm ngoài SOP (Standard Operating Procedure – Quy trình tác nghiệp tiêu chuẩn) chỉ vì sợ làm sai, sợ chịu trách nhiệm bởi những điều không có trong quy định. Có những sự cố dịch vụ được hướng dẫn xử lý trong quy trình nhưng cũng có rất nhiều sự cố dịch vụ mà các quy trình tác nghiệp không thể bao quát được hết. Tại một cửa hàng phục vụ đồ ăn nhanh, khi khách hàng phàn nàn đồ ăn vừa nhận được có mùi lạ, ngay lập tức nhân viên phục vụ thay thế cho khách hàng đồ ăn khác mà không cần phải xác minh. Quy trình có thể hướng dẫn như vậy, nhưng không có phần nào trong quy trình của một khách sạn hướng dẫn nhân viên lễ tân lục tung cả Thủ đô Hà Nội để mua cho khách một món quà lưu niệm đã hứa mang về cho con gái sau chuyến công tác Việt Nam mà chưa có thời gian đi mua. Chính sách có thể đơn giản là miễn phí món ăn bị phàn nàn, hoặc giảm giá 50% bữa ăn đó, hay tặng một phiếu sử dụng dịch vụ spa cho khách hàng phàn nàn. Hầu hết khách hàng không đòi hỏi được bù đắp hay bồi thường cho các tổn hại họ gặp phải trong những trải nghiệm dịch vụ. Họ mong muốn chúng ta chủ động thực hiện để tỏ lòng trân trọng đối với họ. Một số đồng nghiệp của tôi e ngại chính sách này sẽ bị khách hàng hoặc chính nhân viên của mình lạm dụng. Điều đó không đáng lo vì tỷ lệ thiệt hại do lạm dụng chính sách thấp hơn rất nhiều so với những thiệt hại vì không có chính sách mà mất đi những khách hàng trung thành. Theo thống kê của một khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao ở Việt Nam, một khách hàng bất mãn không quay lại sẽ làm khách sạn thiệt hại đến 36 triệu đồng/khách/năm. Mỗi năm, trung bình một khách hàng thân thiết lưu trú tại khách sạn hai lần và mỗi lần ở ba ngày chi trả 30 triệu đồng cho các dịch vụ. Khách sạn thu lãi 60% đối với khách hàng này sau khi trừ đi các chi phí. Vì vậy, nếu khách hàng gặp sự cố dịch vụ và không quay trở lại thì khách sạn thiệt hại 60% của hai lần 30 triệu đồng, tức là 36 triệu đồng/năm. Trong khi đó, chi phí để khách sạn bỏ ra cho việc thu hút một khách hàng mới luôn lớn gấp năm lần chi phí giữ chân một khách hàng cũ. Lịch sử hoạt động kinh doanh khách sạn đã ghi nhận một số trường hợp khách hàng cố ý tạo dựng sự cố để được miễn phí hoặc bù đắp một phần chi phí. Một số khách sạn đưa những khách hàng như vậy vào danh sách đen và khéo léo từ chối phục vụ ngay từ đầu. Nếu như ngành hàng không có danh sách “no-fly” thì ngành khách sạn có danh sách “no-stay”. Một trong những cách để hạn chế các khách hàng cố ý tạo dựng sự cố là chia sẻ danh sách “no-stay” giữa các khách sạn với nhau. Một khách hàng chuyên quậy phá ở các khách sạn khu vực Vũng Tàu bị đưa vào danh sách đen thì khó có thể đặt phòng nghỉ tại các khách sạn khu vực Nha Trang. Vì thế, những chính sách khắc phục sự cố của bạn có thể bị trao nhầm cho những khách hàng trục lợi, nhưng thà rằng bạn tìm cách kiểm soát và ngăn chặn nó tái diễn còn hơn là đánh mất những khách hàng trung thành để không còn cơ hội tiếp theo cho bạn phục vụ.