Return To Space (Netflix) - Bộ phim tài liệu không gian của tỷ phú Elon Musk đáng xem đến đâu?

Return To Space (Netflix) - Bộ phim tài liệu không gian của tỷ phú Elon Musk đáng xem đến đâu? Return To Space đưa người xem vào quá trình chinh phục vũ trụ đầy tham vọng và lắm gian truân của Elon Musk. Return To Space là một bộ phim tài liệu của Mỹ được thực hiện bởi hai đạo diễn là Jimmy Chin và Elizabeth Chai Vasarhelyi, người từng...

Return To Space đưa người xem vào quá trình chinh phục vũ trụ đầy tham vọng và lắm gian truân của Elon Musk.

Return To Space là một bộ phim tài liệu của Mỹ được thực hiện bởi hai đạo diễn là Jimmy Chin và Elizabeth Chai Vasarhelyi, người từng đoạt giải Oscar. Bộ phim kể về câu chuyện của một sứ mệnh kéo dài hai thập kỷ của Elon Musk và các kỹ sư SpaceX để đưa các phi hành gia NASA trở lại Trạm Vũ trụ Quốc tế và cách mạng hóa du hành vũ trụ. Hai phi hành gia đầu tiên của SpaceX là Bob Behnken and Doug Hurley.

Bộ phim ngoài khai thác để làm rõ sứ mệnh này, nó còn làm nổi bật nhiều vấn đề khác. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về tính chất phim cũng như những thiếu sót của nó, nhưng không thể phủ nhận đây là một bộ phim quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mình lớn trong sự nghiệp khám phá không gian của nhân loại. Vậy bộ phim với điểm rating 7.4/10 từ IMDb có những điểm nổi bật nào? 

Những cảnh phim “sặc mùi tiền” 

Nhắc đến phim tài liệu, người ta thường nghĩ đến những thước phim dài và toàn tiếng huyên thuyên, đôi khi mang vẻ chán ngắt. Nhưng Return To Space thì không. Nó làm sống lại một quá trình dài hơn hai thập kỷ về khát vọng vũ trụ của những con người kiệt xuất, khi mà Elon Musk và những kỹ sư khác đầu tư không ngừng nghỉ để phát triển SpaceX. Từ những phân cảnh từ phòng thí nghiệm khổng lồ, hiện đại với các thiết bị tân tiến nhất đến đội nhân lực tài năng nhất và hàng tá lần thử nghiệm với tàu vũ trụ tốn kém nhất có thể đẩy người xem đến một viễn cảnh nằm ngoài tưởng tượng về sự phi thường của con người...và sự vô tận của những chiếc túi tiền nữa.

Các lần thử nghiệm bệ phóng, những vụ nổ thảm khốc của tàu con thoi, hai lần lớn nhất là Challenger (nổ ra trong quá trình đi lên) và Columbia (phát nổ trong quá trình bay lại), những lần bắt đầu lại, chi phí về người, cả về của, thật sự quá nhiều. Một chuỗi phân cảnh từ thử nghiệm đến thực chiến với hai tên lửa được buộc chặt được phóng tên lửa, liên tục, dồn dập, có thể nói là mãn nhãn. Không một bộ phim bom tấn đề tài thảm họa hay hành động viễn tưởng nào có thể tái hiện tầm vóc của những vụ thử nghiệm này và cảm giác khó tả cứ sau mỗi lần thử nghiệm không thành công. Vì thứ bị cháy không chỉ nguyên liệu hay máy móc, mà còn hàng tỷ đô la nữa.

Những phân cảnh tưởng như chỉ có trong sci-fi 

Một chuỗi những câu chuyện đầy kịch tính về những vụ nổ, tiếp theo là những cảnh quay "vi diệu" từ bên ngoài bầu khí quyển, thứ che chở và là lực hấp dẫn bất biến của chúng ta. Từ góc nhìn ngoài không gian, Đất Mẹ như một bức chân dung, được trang hoàng bởi ánh sáng phản chiếu từ các con tàu vũ trụ. Nó có thể coi là một trong những cảnh đẹp nhất trong phim, cảnh tưởng chừng như chỉ có trong các bộ phim sci-fi. 

Những sự kiện cũng lần lượt được diễn ra dựa trên một loạt các cảnh quay tuyệt đẹp được NASA phê duyệt từ các chuyến bay, bao gồm cả những chuyến đi bộ trên không gian trên ISS với những góc nhìn đáng kinh ngạc về hành tinh của chúng ta trong sự rộng lớn không giới hạn của vũ trụ. Phim khắc họa một cách chân thực nhất cuộc sống của con người khi ở ngoài không gian, đó là không trọng lực. Nó ảnh hưởng đến cách con người ta đối mặt với sự mất trọng lực, từ việc ăn uống, ngủ, cho đến cả…đi WC. 

Tập trung vào con người nhiều hơn là máy móc

Trong nhiều thập kỷ, công chúng đã bị mê hoặc bởi con người du hành vào vũ trụ, ta có thể bắt gặp hình ảnh này trong những phân cảnh hàng tá người chú tâm xung quanh các bệ phóng tên lửa với những ánh mắt đầy sự hứng khởi và hồi hộp. Do đó, xuyên suốt Return to Space, ta thấy rõ khát khao, hoài bão, thậm chí tham vọng của con người về du hành vũ trụ.

Elon Musk, các phi hành gia, các báo đài, các nhân viên của SpaceX, tất cả mọi người, đều ôm một niềm hi vọng lớn lao, một nhu cầu phát triển về ngành công nghiệp đắt đỏ này. Bộ phim không khắc họa quá trình hình thành con tàu một cách máy móc, như là phải theo công đoạn 1 công đoạn 2 hay giới thiệu về từng bộ phận của nó một cách kỹ lưỡng. Hai tiếng bộ phim chủ yếu tập trung vào con người, không chỉ phi hành gia, còn có gia đình của họ, có cả những cảm xúc thật sự của họ.

Một Elon Musk đầy đam mê, những phi hành gia đầy sự can đảm, thậm chí có thể biết rằng, mạng sống của họ nằm trong tay các nhà khoa học theo đúng nghĩa đen, chỉ cần một sơ suất nhỏ, cũng dẫn đến cái kết thảm khốc. Nhưng họ luôn kiên định, không chỉ vì bản thân, mà vì cả một nhân loại. Có thể nói, công nghệ dù tân tiến đến mức nào, nhưng chắc chắn nó không thể tự xuất hiện, tất cả là nhờ hai bàn tay của con người. Cho nên việc chú tâm vào hình ảnh con người xuyên suốt bộ phim là một điểm đáng khen của Return to Space

“Quảng cáo nhưng không xạo” 

Không phải tự nhiên mà phim nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng Return To Space là đoạn quảng cáo kéo dài 2 giờ cho Elon Musk. Nhưng sự thật không thể chối cãi rằng, mặc dù phần lớn Return To Space giống như một video quảng cáo của SpaceX, nhưng ý nghĩa của nó cũng có thể cảm nhận từ câu chuyện về một nhóm những người mơ mộng đầy hy vọng về thế giới ngoài vũ trụ, và điều này khiến nó trở nên đáng để chờ đợi hơn.

Trên thực tế, quảng cáo này thúc đẩy công ty khá hiệu quả, liên doanh hàng không vũ trụ của Elon Musk đã đạt được những điều đáng chú ý kể từ khi nó được thành lập hai thập kỷ trước đây và Return to Space là một lăng kính về động lực kinh doanh của Musk - đó không chỉ là thống trị lĩnh vực này, mà mở ra một chương mới cho nhân loại.

Nếu cho Musk là ngôi sao điện ảnh ở trung tâm của tất cả trong phim, thì có lẽ anh ấy như một vị thần thiếu người dẫn dắt, vì đoàn làm phim tập hợp sự căng thẳng gay gắt xung quanh các chuyến bay từ chính những người thực hiện con tàu chứ không chỉ mỗi Musk. Ngay cả khi ở khoảnh khắc đáng lo ngại, NASA đã ngừng phóng do thời tiết xấu, Musk cũng không thể ép buộc họ. Dù Musk có tận lực hay háo hức với tham vọng của mình đến đâu, sự an toàn của các phi hành gia và đội ngũ các nhà khoa học phải được đặt lên hàng đầu. Sự an toàn đó có thể là quảng cáo tốt nhất mà SpaceX có thể hướng đến: ngay cả một người phụ trách liều lĩnh cũng không thể làm mọi thứ trở nên rối ren. 

[embed]https://www.youtube.com/watch?v=sIME4sLR4-8[/embed]

Nói tóm lại, bỏ qua những chi tiết chưa đủ thuyết phục, Return To Space là một bộ phim nên xem. Nó giúp mở mang tầm mắt về một ngành công nghiệp đắt đỏ, về một nhu cầu lớn lao của nhân loại, về những sự hi sinh của các nhà khoa học. Đặc biệt hơn là cảm nhận về việc những nhà làm phim lên vũ trụ để làm một bộ phim. Rủi ro đến từ trải nghiệm cuộc sống trong tình trạng không trọng lực rất thực, chứ không màu hồng như tưởng tượng. Các phi hành gia có những ngày bực bội và những ngày còn lại thì trở thành một thách thức khi có nhiều người hơn tiến vào không gian. Thế nhưng, họ phải kiên trì, vì một tương lai tươi sáng hơn của loài người.

Có thể bạn muốn xem