Phim có nhiều cái đẹp, nhưng đẹp nhất là các "em"

Phim có nhiều cái đẹp, nhưng đẹp nhất là các "em" Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa đã viết nên bao bản tình ca bi lụy, các ca khúc phản chiến hay những bài hát cách mạng mang một giai điệu trẻ trung. Tuy nhiên mình nghĩ, điều ông khó viết nên đó là chuyện tình không hồi kết với những bóng hồng như Dao Ánh, Michiko hay Khánh Ly. Chính vì thế, khi xem Em và Trịnh, mình cảm tưởng bộ phim như một cuốn nhật ký đẹp, mỗi trang đều ghi dấu hình ảnh của từng “em” qua câu chuyện của Trịnh Công Sơn.Em và Trịnh lấy bối cảnh vào cuối những năm 80, đầu năm 90 khi Trịnh Công Sơn gặp Michiko tại Paris. Điều này đã mở ra một mối lương duyên kỳ ngộ khi cô nàng muốn được phỏng vấn Sơn về những sáng tác phản chiến của anh. Từ đây hành trình ngược...

Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa đã viết nên bao bản tình ca bi lụy, các ca khúc phản chiến hay những bài hát cách mạng mang một giai điệu trẻ trung. 

Tuy nhiên mình nghĩ, điều ông khó viết nên đó là chuyện tình không hồi kết với những bóng hồng như Dao Ánh, Michiko hay Khánh Ly. Chính vì thế, khi xem Em và Trịnh, mình cảm tưởng bộ phim như một cuốn nhật ký đẹp, mỗi trang đều ghi dấu hình ảnh của từng “em” qua câu chuyện của Trịnh Công Sơn.

Em và Trịnh lấy bối cảnh vào cuối những năm 80, đầu năm 90 khi Trịnh Công Sơn gặp Michiko tại Paris. Điều này đã mở ra một mối lương duyên kỳ ngộ khi cô nàng muốn được phỏng vấn Sơn về những sáng tác phản chiến của anh. 

Từ đây hành trình ngược dòng thời gian về quá khứ, mình được khám phá thời thanh xuân của anh, thời điểm mà những rung động trong tình cảm đã gọi tên anh cùng dàn bóng hồng như Dao Ánh, Bích Diễm, Thanh Thúy và Khánh Ly.

Được biết, với sự ra mắt lần này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng nhà phát hành đã tách dự án ra làm hai tác phẩm: Trịnh Công Sơn - Em và Trịnh. Bởi một vài lý do khách quan, nên mình được xem bản Em và Trịnh có thời lượng 136 phút, đan xen giữa bối cảnh hiện tại (1989) là những phân đoạn kể về thời niên thiếu của Trịnh Công Sơn cùng những sự kiện mà anh đã trải qua. 

Vì thế ở bài viết này, mình sẽ đánh giá Em và Trịnh dưới góc độ là một tác phẩm riêng biệt, độc lập.

>>> Xem thêm: Em Và Trịnh: Những bóng hồng đi ngang đời Trịnh Công Sơn

Với mình, Em và Trịnh đã khắc họa rõ nét cuộc đời thăng trầm với câu chuyện tình cùng những nàng thơ của Trịnh Công Sơn. May mắn khi được xem bản phim này, mình mới chứng kiến được cảm xúc trong tình yêu của nhân vật chính như những nốt nhạc trong các giai điệu của ông, lúc thăng hoa, cao vút; lúc thì âm ĩ, day dứt đủ thứ.

Em và Trịnh là một tác phẩm mang phong cách cổ điển cùng với cách kể đan xen nhiều mốc thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Điều đó khiến mình vừa được hồi tưởng lại những quá khứ của một Việt Nam đầy đau thương do chiến tranh, vừa được hòa mình vào những ca từ trong mỗi bài hát của Trịnh. 

Câu chuyện trong Em và Trịnh diễn ra hết sức nhẹ nhàng, mọi thứ được sắp đặt như một định mệnh trớ trêu cho nhân vật chính, khi dần dần các tình yêu của anh đều lặng lẽ bỏ anh mà đi.

Sau khi xem phim, cảm xúc mình không hoàn toàn quá buồn hay thất vọng, mà tồn tại rõ một sự dai dẳng nhất đẳng vì thật sự không biết liệu nhân vật Trịnh có thật sự hạnh phúc hay không. Em và Trịnh như một cuốn nhật ký, xem qua từng giai đoạn, từng mốc thời gian khi anh gặp gỡ và làm quen với các “em”, nó đẹp theo một sự duy mỹ nào đó.

Mình cảm nhận rõ câu chuyện không hẳn xây dựng theo mô típ tình cảm nam-nữ thông thường, mà ở những nhân vật này, họ đều là những người yêu nghệ thuật, có một sự đam mê về cái đẹp nhất định mà họ có thể đồng điệu với nhau. 

Chẳng hạn, Dao Ánh với niềm say mê vẻ đẹp của hoa hướng dương, nụ cười và gương mặt của cô luôn rạng ngời như cách nó đón lấy ánh hướng dương, hay Khánh Ly, tuy bề ngoài là một người phụ nữ đứng tuổi và có chút gì đó gan dạ, nhưng trong cô vẫn toát lên tâm hồn của một người ca sĩ đẹp, với giọng hát khác biệt. Còn với Michiko, một cô nàng tự nhiên, phảng phất phong cách của thời đại nhưng vẫn biết hy sinh tình yêu của mình và nhận ra điều gì thật sự nên thuộc về mình.

Chính vì vậy, chàng Trịnh mới dễ dàng đổ gục trước các “em” như vậy. Cách xây dựng nhân vật của biên kịch tưởng chừng như cả ba đều khác nhau nhưng thật chất họ đều là những người phụ nữ biết trân quý cái đẹp và khiến Trịnh Công Sơn nhiều lần lúng túng.

Khoác lên mình bộ trang phục cổ điển của những năm 60, nhưng Trịnh Công Sơn của Avin Lu vẫn khiến mình ấn tượng với vẻ ngoài gầy guộc, thẫn thờ cùng chiếc lưng khom trước vẻ đẹp si mê của Bích Diễm và Dao Ánh. Cái hay ở Em và Trịnh đó là tạo một lối dẫn khiến mình bị cuốn vào câu chuyện của Trịnh Công Sơn ở nửa đầu phim.

Hơn nữa những cảnh phim đẹp mắt đều tựu trung ở các phân đoạn đầu, đặc biệt mình ấn tượng phân đoạn Trịnh Công Sơn bị ông Thống đốc Khánh đuổi về sau màn cưa cẩm Bích Diễm. 

Ở phân đoạn đó, Avin Lu diễn khá tự nhiên và đúng tinh thần của những người làm nghệ thuật sáng tạo, hai tiếng chuông nhà thờ cùng màn mưa rơi, buộc anh phải vội lấy giấy bút ra mà ghi lại những ca từ đầu tiên của Diễm Xưa. Theo như trong Em và Trịnh, đó là cách mà Diễm Xưa ra đời, ca khúc làm nên dấu ấn của Trịnh sau nhiều năm.

Bánh Đúc nhận thấy đây là giây phút nhân vật Trịnh Công Sơn nhận ra khoảnh khắc đẹp nhất trong lòng anh, cái đẹp đến từ sự thướt tha trong tà áo dài của Bích Diễm, từ ánh mắt ngại ngùng của Dao Ánh. Nó tác động phần nào đến tâm hồn nghệ sĩ trong Trịnh Công Sơn, tiếng chuông nhà thờ bất giác khẽ lay tiếng nhạc trong nhân vật này để khiến anh nhẩm nhịp vô tư mà làm ra Diễm Xưa đầy trữ tình.

>>> Xem thêm: Mối tình đẹp, vượt rào cản ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn và Michiko

Sang đến nửa thời lượng sau, mọi tình tiết đều xây dựng không còn tạo nhiều cảm xúc với mình, một phần có lẽ bản thân đã dần thấm được cái đẹp của bộ phim, hơn nữa mọi tình tiết cứ trải đều về chuyện tình giữa Trịnh Công Sơn cùng Dao Ánh, Khánh Ly và Michiko. 

Có thể, ở tác phẩm Trịnh Công Sơn, mình sẽ được hiểu toàn bộ về cuộc đời thời niên thiếu của anh, mặc dù mình không thích cách chia tách làm 2 tác phẩm này của nhà làm phim cho mấy, vì nó mất đi trải nghiệm “đọc nhật ký Trịnh” của mình.

Em và Trịnh không như những tác phẩm mang tính tài liệu hay quá nhạc kịch, bộ phim xây dựng mở đầu - diễn biến - kết thúc rõ ràng, các chất liệu trong phim, đặc biệt là âm nhạc, như để bổ trợ và là một phần không thể thiếu khi nhắc đến Trịnh Công Sơn. Em và Trịnh đưa mình đến một giai đoạn mà khi tiếng nói của nhân dân không được cất lên, buộc lòng ca từ, giai điệu phải “xuất trận” để phản chiến, làm đúng tinh thần của nó.

Các chi tiết văn nghệ được đan xen khéo léo ở từng giai đoạn nhất định. Có những thời điểm các sáng tác của Trịnh mang màu sắc buồn, trữ tình rồi lại chuyển qua các bài hát cách mạng, và cuối cùng là Tuổi Đời Mênh Mông trong những năm đổi mới, hòa bình tự do.

Như mình đã nói, Em và Trịnh không hề đau thương hay quá thảm thiết về những tàn dư của chiến tranh. Bộ phim sử dụng các tư liệu sẵn có lồng ghép vào để mình thấy được, giữa thời điểm bom đạn loạn lạc, nhưng tâm hồn người nghệ sĩ của Trịnh Công Sơn vẫn bừng sáng. Vượt lên trên đó, là một tình yêu đẹp dành cho Dao Ánh và tâm hồn đồng điệu của những người phục vụ văn nghệ với Khánh Ly.

Suy cho cùng, Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh là một quyển nhất ký vừa đẹp, thẩm mỹ nhưng cũng ẩn chứa nhiều chấp niệm về cuộc sống, tình yêu của Trịnh Công Sơn. Phim là một lựa chọn dành cho những ai muốn tìm đến sự cân bằng, nhẹ nhàng mà Bánh Đúc nghĩ bạn nên xem. Đặc biệt, sau một tháng 5 với những bom tấn hành động, viễn tưởng thì Em và Trịnh “mở bát” đầu hè đầy thơ mộng.

* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Mọt phim Review

Nếu bạn yêu thích điện ảnh Việt Nam , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Em Và Trịnh? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Có thể bạn muốn xem