Những người hùng của Nghề khách sạn

Những người hùng của Nghề khách sạn Sau một thời gian phát động, Fanpage Nghề Khách sạn và GTOP đã quyên góp được 17 triệu đồng của cộng đồng nhân sự nghề khách sạn ủng hộ, giúp đỡ gia đình anh Phó và chị Tâm, 2 người hùng đã dũng cảm lao ra biển dữ, cố gắng cứu các em học sinh lớp 9 bị sóng cuốn vào sáng sớm ngày 20 tháng 2 (mồng 9 tết) năm nay tại biển Mỹ Khê, Quảng Ngãi. Chiều thứ 7, văn phòng GTOP tại Miền Trung đã về Quảng Ngãi thăm hỏi và trao món quà này tới gia đình các anh, chị… Nghe tiếng gọi, biết nhà có khách, chị Tâm vịn ghế, men tường ra tiếp chúng tôi. Đã một tháng rưỡi trôi qua từ cái ngày khủng khiếp ấy nhưng chị còn yếu lắm, xanh rớt và luôn đau đầu. Nằm xuống chiếc giường gấp cho...

Sau một thời gian phát động, Fanpage Nghề Khách sạn và GTOP đã quyên góp được 17 triệu đồng của cộng đồng nhân sự nghề khách sạn ủng hộ, giúp đỡ gia đình anh Phó và chị Tâm, 2 người hùng đã dũng cảm lao ra biển dữ, cố gắng cứu các em học sinh lớp 9 bị sóng cuốn vào sáng sớm ngày 20 tháng 2 (mồng 9 tết) năm nay tại biển Mỹ Khê, Quảng Ngãi.

Chiều thứ 7, văn phòng GTOP tại Miền Trung đã về Quảng Ngãi thăm hỏi và trao món quà này tới gia đình các anh, chị…

Nghe tiếng gọi, biết nhà có khách, chị Tâm vịn ghế, men tường ra tiếp chúng tôi. Đã một tháng rưỡi trôi qua từ cái ngày khủng khiếp ấy nhưng chị còn yếu lắm, xanh rớt và luôn đau đầu. Nằm xuống chiếc giường gấp cho đỡ mệt, chị kể lại cho chúng tôi nghe về cái sáng thứ 7 định mệnh ấy...

Lực lượng cứu hộ tại biển Mỹ Khê ngay khi sự việc xảy ra

Cả chị và anh Phó cùng sinh năm 1977, họ là bạn thân của nhau và đã cùng làm việc tại khách sạn Mỹ Khê, Quảng Ngãi hơn 20 năm. Chị làm nhân viên buồng phòng, còn anh Phó làm phụ trách nhà hàng. Hôm ấy khách sạn có đoàn nên họ đến trực sớm. Biển đang động do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nhưng vì mới 7 giờ sáng nên chưa có ai trực để cấm bơi, tắm cả. Chỉ có lũ trẻ  gồm 9 em tuổi 14, đang học lớp 10 trường Tư Nghĩa xuống nghịch nước. Một cơn sóng đặc biệt lớn chồm đến, kéo bạn Gia Khang ra xa. Lũ trẻ hoảng loạn, kêu khóc cầu cứu. Anh Phó và chị Tâm thấy vậy cùng lao ra. “Chả nghĩ gì cả đâu, cũng như con mình mà, cố để cứu cháu nó thôi” chị Tâm nghẹn ngào. Cả chị và anh Phó đều không lường được rằng sau đó là liên tiếp những cơn sóng lớn khủng khiếp ập đến, giật Gia Khang ra xa hơn. Mặc dù bơi rất giỏi nhưng họ không thể chống đỡ nổi với những con sóng điên cuồng. Khi được đội cứu hộ vớt lên, 2 lá phổi chị Tâm đã đầy nước và cát. Chị lập tức được hồi sức rồi rồi chuyển thẳng ra bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cấp cứu. Sau 10 ngày nằm viện, các bác sỹ đã giành lại chị từ tay Diêm Vương. “Sao không thấy anh Phó đến viện thăm mình nhỉ?” chị hỏi chồng và có ý trách người bạn thân đã cùng lao xuống biển lúc đó. Chị không hề biết rằng, đội cứu hộ đã không thể tìm thấy anh Phó và cháu Gia Khang. Phải ba ngày sau, thi thể anh mới được tìm thấy cách đó 500m…

Người thân khắc khoải đợi chờ.

​Hiện chị Tâm đã chuyển về điều trị ngoại trú tại bệnh viện Quảng Ngãi. Do từ hồi 2005, một tai nạn giao thông làm chị bị chấn thương sọ não khá nặng, giờ thêm lần đuối nước này, não, phổi bị thiếu ô xi thời gian dài nên khả năng hồi phục của chị rất kém, liên tục đau đầu và thấy ớn lạnh. Cũng may, chị có bảo hiểm y tế và cơ quan nơi chị làm việc cũng rất tốt để chị yên tâm điều trị với mong muốn rằng sẽ sớm khỏe để được đi làm lại.

Sau khi trao quà của cộng đồng Nghề Khách sạn gửi tặng, chúng tôi tạm biệt chị Tâm với lời hứa sẽ hỗ trợ con gái đầu của chị hiện đang học đại học tại Đà Nẵng tìm kiếm nơi thực tập hoặc việc làm nếu cháu và anh chị cần.

Anh Đặng Văn Tuấn, phó giám đốc GTOP trao quà của cộng đồng gửi tới chị Tâm.

Lúc này đã là gần 5 giờ chiều, chúng tôi tìm đến nhà anh Phó. Đó là ngôi nhà cấp bốn rất nhỏ, nằm sâu trong xã Tịnh Hòa. Chị Thành, vợ anh không có nhà. Qua điện thoại, chị cho biết đang chở má chồng đi thăm mộ anh. Thấy có khách lạ, hàng xóm chạy qua, người giúp lấy ghế, người mời nước uống. Chúng tôi cảm nhận được tình cảm của chòm xóm dành cho anh, chị. Chị Thành là giáo viên cấp 2, họ có một cháu trai lên bốn. Anh Phó đột ngột mất đi, cuộc sống vốn đã khó khăn giờ càng thêm vất vả chồng chất lên đôi vai gầy của chị. Theo chân chị, chúng tôi đến bên bàn thờ lập tạm giữa nhà, thắp nén tâm nhang, gửi tới anh lời cảm phục của những đồng nghiệp. Trên bàn thờ, nhìn chiếc điện thoại di động và tấm chứng minh thư của anh, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động. “Thưa anh Phó, chúng tôi là những người cùng làm nghề khách sạn, nhà hàng với anh, nay về thăm anh, đại diện cho cộng đồng nghề từ khắp nơi trên dải đất hình chữ S này, xin được gửi tới anh lời cảm phục, cảm ơn anh đã quên mình vì tình người, vì tinh thần trách nhiệm với xã hội. Anh thực sự là người hùng của ngành Du lịch Việt Nam.

Ngôi nhà nhỏ của anh Phó, chị Thành

Nói chuyện với chúng tôi, má anh Phó khóc cho biết, nhà có 5 anh em, Phó là thứ 3. Nhà nghèo, đông con, được bố mẹ vợ cắt cho miếng đất này, anh chị làm nên ngôi nhà nhỏ, anh Phó vừa đi làm khách sạn, vừa nuôi bò, làm nông ở nhà. Năm nay vướng đại dịch Covid, thu nhập bị ảnh hưởng nhiều, vừa mới nhúc nhắc có khách trở lại thì anh gặp nạn. 

Vâng, thưa bác, chúng cháu thấu hiểu, không nỗi đau nào đau hơn với người mẹ, người vợ, khi buổi sáng, chồng, con mình còn chào đi làm mà ngay sau đó, anh ấy nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo, 3 ngày sau mới tìm thấy. Chúng cháu cũng tin rằng, sự hy sinh của anh đã góp phần làm đẹp cho đời, đã mang lại niềm tin cho nhiều người rằng, cuộc sống này vẫn đáng yêu, đáng trân trọng lắm lắm...
Anh Phó ơi, yên nghỉ anh nhé. Chúng tôi và Nghề tự hào có anh!    

L.Q.V

 

  

 

Có thể bạn muốn xem