Nhổ lúa non bán như rau, nông dân 'bỏ túi' cả trăm ngàn đồng mỗi ngày

Nhổ lúa non bán như rau, nông dân 'bỏ túi' cả trăm ngàn đồng mỗi ngày Chợ bán mạ (cây lúa non) hình thành từ khi nào, người dân xã Thanh Dương (Thanh Chương, Nghệ An) cũng không nhớ nữa. Với người dân tứ xứ, có dịp đi qua, sẽ thấy sửng sốt bởi "món hàng" này, nhưng với người dân nơi đây, việc mang cây lúa dư thừa đi bán đã là chuyện bình thường, chưa kể nó có thể mang lại một nguồn thu nhập đáng kể vào dịp sau Tết.Chợ bán mạ họp trên con đường đi vào khu vực chợ Cồn - trung tâm mua bán chính của xã, chỉ kéo dài khoảng 100m. Người bán bày "hàng" ra vệ đường, ai có nhu cầu thì ghé lại lựa chọn, mặc cả, thỏa thuận xong thì xách về. Người cần nhiều thì mua nhiều, người cần ít thì mua một vài bó. Bó mạ buộc túm bằng sợi rơm, bỏ vào giỏ...

Chợ bán mạ (cây lúa non) hình thành từ khi nào, người dân xã Thanh Dương (Thanh Chương, Nghệ An) cũng không nhớ nữa. Với người dân tứ xứ, có dịp đi qua, sẽ thấy sửng sốt bởi "món hàng" này, nhưng với người dân nơi đây, việc mang cây lúa dư thừa đi bán đã là chuyện bình thường, chưa kể nó có thể mang lại một nguồn thu nhập đáng kể vào dịp sau Tết.

Chợ bán mạ họp trên con đường đi vào khu vực chợ Cồn - trung tâm mua bán chính của xã, chỉ kéo dài khoảng 100m. Người bán bày "hàng" ra vệ đường, ai có nhu cầu thì ghé lại lựa chọn, mặc cả, thỏa thuận xong thì xách về. Người cần nhiều thì mua nhiều, người cần ít thì mua một vài bó. Bó mạ buộc túm bằng sợi rơm, bỏ vào giỏ xách, quang gánh hay buộc tòng teng sau xe đạp như rau.

Bà Nguyễn Thị Mai (xóm Thanh Yên, xã Thanh Dương) đang cố gắng lựa bó mạ to, cây cứng cáp, khỏe mạnh. "Ruộng nhà tôi bị ốc bươu vàng cắn ngang gốc, mà lúa trong ruộng không tỉa được nữa nên phải mua mạ về để dặm thêm. Mỗi bó này giá 10 nghìn đồng", bà cho hay. Phần diện tích lúa bị hỏng của bà ít nên chỉ cần mua 2 bó, những gia đình bị ốc tàn phá hay lúa bị chết trong đợt rét sau Tết thì phải mua nhiều hơn.

"Chợ" bán cây lúa non tại xã Thanh Dương, Thanh Chương, Nghệ An (Ảnh: Lê Toàn).

Trước đây nhà nào có ruộng lúa dày thường để hàng xóm tự xuống ruộng để tỉa lấy mạ, vừa đỡ công đi dặm. Nhưng những năm gần đây, cây mạ có giá, nhiều nhà tự đi tỉa, bó lại rồi mang đi bán. "Năm nào trời rét, lúa chết hết, có luống mạ nhổ để bán thì cũng kiếm được khối tiền", bà Nguyễn Thị Chúc (xóm Dương Trung, xã Thanh Dương), nói.

Mấy hôm nay tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà Chúc đi dặm lại ruộng, tỉa những nơi quá dày để lúa có thể phát triển tốt, đồng thời phần cây thừa mang đi bán.

Tầm 10h, bà Nguyễn Thị Thảo (xóm Dương Nam, xã Thanh Chương) đánh xe máy, "kẹp" theo một bao tải, trút những bó mạ ra đường, xếp gọn gàng để "chào hàng". 12 bó mạ giống lúa Phú Ưu bà vừa tỉa ngoài ruộng, mang ra bán với giá 13 nghìn đồng/bó. Vài người khách tới chọn, chê đắt, mặc cả xuống 10 nghìn đồng/bó. Bà Thảo đon đả: "Bó to, lúa lại phun thuốc cả rồi, yên tâm đi, không đắt đâu" và nhất quyết không hạ giá.

Nếu trước đây nông dân sẵn sàng cho những nhà thiếu mạ xuống ruộng để dặm tỉa rồi lấy phần cây lúa non thừa hay tự tỉa về làm thức ăn cho trâu bò thì nay mang ra chợ bán. Số tiền kiếm được giúp họ thêm một khoản để cải thiện thức ăn hàng ngày.

Bà Thảo đi bán mạ hôm nay là ngày thứ 3. "Dặm tỉa túc tắc thôi, mỗi buổi thừa 5-10 bó mạ bán cũng kiếm được đôi đồng thêm vào mua con cá, lạng thịt. Có ngày cũng bán được 200 nghìn đồng. Nhà nông ở cái tuổi như chúng tôi bây giờ kiếm đâu 200 nghìn đồng dễ dàng được", bà Thảo chia sẻ.

Bên cạnh, người phụ nữ tên Vân cũng sắp xếp lại "mặt hàng" đang chào bán. Chị bảo, quê ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), biết trên này có chợ bán mạ, đánh xe máy chở lên đây bán. Khoảng hơn 30 bó mạ là công sức chị đi tỉa từ chiều hôm trước. "Hàng" được chia thành 3 khu vực khác nhau, theo từng giống lúa Bắc Thịnh, Phú Ưu, Thái Xuyên để khách lựa chọn nhưng cùng chung mức giá 10 nghìn đồng/bó.

"30 bó, nếu bán hết thì được 300 nghìn đồng. Nghe qua có vẻ to nhưng để tỉa được từng này bó phải cúi đau cứng cả lưng", chị Vân cho biết. Chợ mạ họp từ sáng đến tối, miễn người bán còn hàng mà khách vẫn cần mua. Tuy nhiên, chợ chỉ tồn tại khoảng từ 7-10 ngày, khi việc dặm tỉa kết thúc.

Một số hình ảnh về chợ mạ non xã Thanh Chương:

Với nhiều người, thứ hàng hóa này khá đặc biệt, nhưng với người dân xã Thanh Dương thì việc mua bán đã quá quen thuộc.

Chị Vân chở mạ từ Nam Đàn lên Thanh Chương bán. Với mức giá 10 nghìn đồng/ bó, một buổi chợ chị Vân có thể kiếm được khoảng 300 nghìn đồng.

Lúa được bán từng mớ như... rau.

Giá trung bình mỗi bó mạ là 10 nghìn đồng, nhưng người mua lựa chọn khá kỹ để chọn những bó to, cây chắc khỏe, khi dặm xuống ruộng sẽ phát triển tốt hơn.

Người bán, kẻ mua mặc cả từng đồng, tuy nhiên hầu như mức giá vẫn được giữ ổn định.

Thứ hàng hóa này không giới hạn số lượng mua, thậm chí khách mua một bó, chủ hàng vẫn sẵn sàng bán.

Chủ yếu người dân mua vài ba bó mạ để dặm vào phần diện tích lúa bị ốc bươu vàng tàn phá hoặc lúa chết vì đợt rét vừa qua.

Khả năng tái nhiễm của biến thể Omicron là như thế nào

Có thể bạn muốn xem