Nhìn lại hiệu quả chính sách khai thác Bảo hiểm tài sản 6 tháng đầu năm 2012
Một hệ thống quản lý rủi ro được tổ chức tốt và vận hành hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững và vượt qua biến cố trong những giai đoạn khó khăn.
Ngành bảo hiểm được xã hội biết đến như một ngành nghề kinh doanh rủi ro và là giải pháp “giảm sốc” hiệu quả của nền kinh tế. Hơn ai hết, với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), tổ chức hệ thống quản lý rủi ro hoàn chỉnh mang ý nghĩa sống còn. Chính vì vậy, tăng trưởng bền vững gắn liền với công tác kiểm soát rủi ro, từ lâu đã trở thành câu nói cửa miệng và là một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của các DNBH.
Một điểm đáng lưu tâm là từ cuối năm 2011, các nhà tái bảo hiểm hàng đầu trên thế giới đã gửi thông điệp cảnh báo về việc tăng mức phí tái bảo hiểm và thắt chặt điều kiện bảo hiểm đối với khách hàng tại thị trường Việt Nam áp dụng từ năm 2012 do gia tăng lo ngại về nguy cơ thảm họa ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Thêm vào đó, một thực tế là trong hai năm qua, tại Việt Nam cũng đã xảy ra nhiều vụ tổn thất tài sản lớn do rủi ro cháy nổ. Chỉ với một trong hai lý do trên, các nhà tái bảo hiểm đã có thể thực hiện nhiều thay đổi trong chính sách nhận tái ở Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, nhiều vụ tổn thất lớn đã xảy ra, tiêu biểu như tổn thất tại Tập đoàn Huge Gain (5 triệu USD), tổn thất tại Công ty đệm mút Nitori Furniture (4,6 triệu USD), tại Công ty gỗ Huada (1,5 triệu USD)… mà nguyên nhân chủ yếu là do cháy. Với các doanh nghiệp bảo hiểm lớn trên thị trường như Bảo Việt, Bảo Minh, PVI… số vụ bồi thường trên phân cấp cũng tăng đột biến, quy mô và tỷ lệ tổn thất đặc biệt cao, tổn thất trong mức giữ lại cũng cao tương ứng. Đáng chú ý là các đơn bảo hiểm có phát sinh bồi thường đa số thuộc danh mục nhóm ngành nghề rủi ro cao. Đây là “tín hiệu đáng báo động” trong chính sách bán hàng và kiểm soát rủi ro của thị trường trong bối cảnh các DNBH chủ yếu cạnh tranh phi kĩ thuật bằng cách hạ phí xuống dưới ngưỡng an toàn nhằm “giữ chân khách hàng”. Giành giật nhau từng khách hàng trong một ngành nghề nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hành vi cạnh tranh hạ phí của doanh nghiệp chẳng khác gì “tự lấy đá đập chân mình”.
Trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt, trách nhiệm bảo hiểm tăng, phí bảo hiểm tăng không tương xứng thì hệ quả là tỷ lệ tổn thất toàn thị trường trong nhiều năm qua luôn ở mức rất cao và không có dấu hiệu được cải thiện. Mức độ thiệt hại lớn cộng với thị trường không có động thái tích cực, chắc chắn các nhà tái bảo hiểm sẽ xiết chặt điều kiện bảo hiểm, gây ảnh hưởng tới năng lực và tính chủ động khai thác của DNBH. Đây là viễn cảnh “không hề mong muốn” với tất cả các DNBH.
Nhìn nhận nghiêm túc về vai trò quan trọng của hoạt động quản lý rủi ro, tư nhiều năm trước, một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Bảo Việt, đã thiết lập và duy trì chính sách phân loại và kiểm soát việc nhận bảo hiểm đối với nhóm ngành rủi ro cao, ví dụ như: da giầy, dệt may, kho bãi… Để đảm bảo duy trì thị phần cùng hiệu quả kinh doanh, chính sách bán hàng dành cho phân khúc bảo hiểm tài sản đòi hỏi DNBH phải xốc lại tinh thần “dám hành động”, “hợp tác cao” và cạnh tranh lành mạnh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ.
Các chuyên gia đầu ngành cũng đưa ra một số lời khuyên trong quan điểm, chính sách bán hàng của DNBH, có thể kể đến như:
(1) Đặc biệt thận trọng với nhóm rủi ro cao;
(2) Chấp nhận “nói không” với các rủi ro cũ, rủi ro hệ thống và chất lượng quản lý yếu kém;
(3) Tăng cường hợp tác trên thị trường để chia sẻ rủi ro;
(4) Mùa mưa bão đang đến gần, trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản thì đây được coi là “mùa tổn thất”. Vì vậy, chú trọng chủ động phòng chống tổn thất sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh chung của doanh nghiệp.
Có thể nói, nếu DNBH không chú trọng chọn lọc rủi ro, không tập trung vào việc nâng cao chất lượng quản lý danh mục khách hàng thì những công sức đổ ra để khai thác hàng trăm, hàng nghìn đơn bảo hiểm sẽ bị hoài phí chỉ với một vụ tổn thất lớn. Bằng cách dự báo và chọn lọc rủi ro trong khâu bán hàng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó cũng như đảm bảo hiệu quả kinh doanh bền vững./.
Vũ Trung Hiếu
(Bảo Việt)
{flike}