Kontroll: Người Soát Vé - 35mm.vn

Kontroll là một viên ngọc quí đến từ Hungary. Kết hợp chủ nghĩa ấn tượng Đức cổ điển và lối làm phim hiện đại, đạo diễn Nimród Antal đã mang đến một hành trình đáng nhớ vào tâm hồn con người.

Kontroll có một mở đầu không thường thấy. Một nhân viên từ ban quản lí tàu điện ngầm ở Budapes đứng trước ống kính, đọc lời giới thiệu về phim. Ông ta nói rằng đây là tác phẩm đầu tay của một người bạn và nhắc nhở rằng các sự kiện, nhân vật, chi tiết… trong phim đều là hư cấu. “Tất cả những gì bạn xem hoàn toàn không phải hiện thực ở Budapest,” ông kết thúc. “Mọi thứ đều là biểu tượng.”

Nhiều người sẽ nhanh chóng đồng ý với ông rằng: Mọi thứ trong phim đều khó xảy ra ngoài đời thật. Khó có một nhân vật như Bulcsú (Sándor Csányi), với đôi mắt thâm quầng và nụ cười nửa miệng gợi đến Jake Gyllenhaal trong Donnie Darko (2001), sống 24/24 dưới khu tàu điện ngầm. Khó có một gã áo choàng đầu bí ẩn, lạnh lùng xô ngã các hành khách xuống đường ray khi tàu lao đến. Khó có nhiều kịch tính đến thế trong công việc của những người soát vé, đeo vòng tay đỏ như quân phát xít, tranh cãi và đánh nhau với hành khách như cơm bữa.

Kontroll là một thế giới giả tưởng tăm tối và nhớp nháp, khởi sinh trong đầu Nimród Antal. Vị đạo diễn sinh ra ở Hung, lớn lên ở Mỹ, sau đó quay về quê hương để thực hiện bộ phim đầu tay này. Ông bị mê hoặc bởi hệ thống đường hầm chằng chịt ở Budapest, thủ đô Hungary, cả những người cả đời chui rúc trong những chuyến tàu đêm. Vậy là, sau khi chuyến tàu cuối cùng dừng bánh, giống như Bulcsú, Antal cũng miệt mài lặn ngụp trong bóng đêm, tạc nên hình hài cho thế giới của mình.

Có lẽ kể từ Dark City (Thành phố tối, 1998) của Alex Proyas, khán giả mới được mời vào một không gian lạ lùng và cuốn hút đến thế. Bối cảnh phim không còn là bối cảnh, mà trở thành một sinh vật biết sống, biết thở và chứa đựng những bí mật. Dù là phim đầu tay, Antal không hề cho thấy sự non nớt. Những góc máy ấn tượng, dùng màu sắc tương phản hiệu quả, lối cắt cảnh mạnh mẽ, sử dụng âm nhạc đầy không khí… Tất cả hợp thành một lực hút như lỗ đen, khiến ta khó dứt khỏi màn ảnh. Có lẽ chưa bao giờ, các nhà ga tàu điện ngầm lại gợi tò mò đến thế.

Chuyện phim cũng giống như một chuyến tàu tốc hành, sự kiện nối tiếp sự kiện không dứt. Chất kịch tính của phim đến từ tính phiêu lưu. Người xem như vào vai một nhân vật game, từng chút một khám phá thế giới lạ. Cộng đồng nhân viên soát vé trong phim vô cùng sinh động, như thể tập hợp của nhiều bộ lạc, với văn hóa và truyền thống riêng. Có cuộc đua với tàu chở hàng vào nửa đêm, kẻ thua có thể mất mạng. Có màn đuổi bắt một kẻ trốn vé huyền thoại mệnh danh “thần chạy”. Có cả lễ hội hóa trang trong sân ga… Nếu có tính từ nào không phù hợp nhất với bộ phim này, thì chính là “nhàm chán”. Để giúp người xem nghỉ ngơi giữa các trường đoạn, Antal đưa vào chất hài đen duyên dáng, đến từ lời thoại thông minh và các nhân vật ngớ ngẩn như gã mắc chứng ngủ rũ.

Kontroll dĩ nhiên không chỉ hấp dẫn nhờ thị giác hay chất hành động. Cân bằng với phần hình ảnh là các nhân vật quái đản, siêu thực nhưng đáng quan tâm. Gần như mỗi người đều sở hữu cả hai mặt sáng tối, những mặt kì quặc và những mặt gần gũi, đời thường. Sai lầm chung của nhiều phim kì quái là mải tập trung vào các yếu tố thu hút, mà quên mất chất tình cảm, dẫn đến cảm giác lạnh lùng như kim khí. Antal không mắc phải điểm yếu này.

Chủ đề chính của phim không khó nhận ra, vốn đã rất đặc trưng ở thể loại pha chút triết học này: Tự do. Những đường hầm tăm tối và đáng sợ ở Budapest biểu trưng cho tâm hồn của các nhân vật. Một nơi chốn để Bulcsú và đồng nghiệp trốn khỏi thế giới ngoài kia, hoặc chính bản thân mình. Bulcsú muốn thoát khỏi cuộc sống văn phòng nhàm chán. Ông lão lái tàu tìm chốn nương náu khỏi sai lầm quá khứ. Những người khác thì vì không còn nơi nào để đi. Dù bề ngoài của họ có vẻ xa lạ, bị làm quá, nhưng nỗi niềm của mỗi người thì rất thật khi nói về những giấc mơ, khát khao, nỗi sợ hãi… của bản thân. Dù cả bộ phim diễn ra dưới mặt đất, ta vẫn hiểu được phần nào những vấn đề người dân Hungary gặp phải ở cuộc sống trên kia.

Nếu đã thưởng thức các phim cùng thể loại, bạn sẽ không khó nhận ra các dụng ý Antal gửi gắm. Cô gái mặc áo gấu mà Bulcsú thầm yêu là biểu tượng của hi vọng, luôn lẩn khuất đâu đó giữa đám đông, chờ đợi được tìm thấy. Hi vọng cũng có thể bị cuộc đời đánh cho bầm dập, như cảnh ẩu đả, nhưng nó không biến mất. Gã phản diện với áo trùm đầu cũng là biểu tượng cho góc tối hoặc quá khứ của anh. Mọi thứ trong bộ phim này đều đại diện cho một điều gì đó. Nhưng dù có nhận ra hay không, ta vẫn sẽ lưu lại cảm giác hài lòng, một khi chuyến tàu này đi đến ga cuối. Không nhiều bộ phim thật sự lôi được người xem ra khỏi ghế, đưa họ vào một thế giới khác gần như lập tức, và khiến họ đắm chìm trong đó, như Kontroll.

Chúng ta sẽ càng ngưỡng mộ hơn khi biết rằng, tác phẩm này không hề sử dụng kĩ xảo máy tính nào. Làm sao Nimród Antal quay được những cảnh như khi Bulcsú chạy trước đoàn tàu sáng đèn? Làm sao ông khám phá ra những ngóc ngách lạ lùng trong lòng nhà ga Budapest? Hay xử lí được những đại cảnh đông người? Đó là điều bí mật, nhưng hiệu quả là rất đáng giá. Một thế giới siêu thực nhưng vô cùng chân thực, như được mang đến từ thời hoàng kim của chủ nghĩa ấn tượng.

 

rn
[ad_2]rn
Source link ","author":{"@type":"Person","name":"mrrploc","url":"https://gtop/author/mrrploc/"},"articleSection":["Review Phim"],"image":{"@type":"ImageObject","url":"https://gtop/wp-content/uploads/2018/12/Kontroll-2003.jpg","width":1920,"height":1080},"publisher":{"@type":"Organization","name":"","url":"https://gtop","logo":{"@type":"ImageObject","url":""},"sameAs":["https://www.facebook.com/jegtheme/","https://twitter.com/jegtheme","#","https://youtube.com","#"]}}

Có thể bạn muốn xem