Khom lưng lội bùn mò sìa, vài giờ được cả tạ đem bán thu tiền triệu
Những ngày này, tầm 5-6h sáng, người dân huyện Thăng Bình rủ nhau ra sông Trường Giang để mò sìa, hay còn gọi là con vọp, dộp dộp. Nghề mò sìa không thường xuyên, chỉ làm vào mùa nắng và khi thủy triều xuống.
Nếu trúng, người dân có thể thu cả tạ sìa sau vài tiếng, giúp cải thiện bữa cơm gia đình hoặc đem bán.
Ông Hồ Văn Tám cho biết, đây là thời điểm vào mùa sìa, nếu chịu khó lội sâu vào bãi bùn lớn có thể thu hoạch được nhiều hơn.
Với hơn 50kg sìa mò trong buổi sáng, ông bỏ lại 20kg để ăn, còn lại 30kg đem bán được gần 300.000 đồng.
Người dân cho hay, sìa di chuyển chậm, mỗi khi có tiếng động là chui xuống bùn để trốn. Song bắt sìa tương đối dễ, người thợ chỉ cần đi thụt lùi và dùng chân sục dưới lớp bùn. Khi cảm nhận con sìa đụng vào chân thì thò tay xuống mò bắt. Có nhiều người “liều hơn” thì ngụp lặn dưới chỗ nước sâu để mò được sìa to.
Ông Lê Tấn Dũng chia sẻ, người làm nghề này phải chịu khó, bởi khom người nhiều nên rất mỏi lưng chứ không hề nhẹ nhàng. Ngoài ra, mò sìa còn phải đi chân đất nên đôi khi đạp trúng mảnh chai, cây gai hay mảnh sìa sắc nhọn gây chảy máu.
“Sìa bám rất nhiều bùn đất nên sau khi bắt về phải rửa qua nhiều nước để làm sạch. Với khoảng 1 tạ sìa bắt được, tôi để lại một nửa chế biến món ăn, còn lại mamg bán với giá 10.000 đồng mỗi ký”, ông Dũng nói.
Theo chia sẻ của các tiểu thương, sìa muốn bán được trước tiên phải còn sống, chọn con có vỏ nhẵn, hơi phồng lên, đó chính là dấu hiệu của những con nhiều ruột, chắc thịt nên được người mua ưa chuộng.
Sìa sau khi thu mua sẽ được đem đi tách ruột, trung bình cứ 7kg sìa thì thu được 1kg ruột. Ruột sìa đã làm sạch có giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Sìa là loại chuyên sinh sống ở môi trường nước ngọt, có hai mảnh vỏ thuộc loài nhuyễn thể. Sìa được dùng để chế biến món luộc gừng, hấp sả… Sìa thoạt nhìn có hình dáng giống nghêu nhưng kích thước lớn hơn.
Hồ Ca