Khi những người phụ nữ nổi tiếng được đưa lên màn ảnh: Hầu hết là 'hồng nhan bạc phận'

Khi những người phụ nữ nổi tiếng được đưa lên màn ảnh: Hầu hết là 'hồng nhan bạc phận' Vừa có tài vừa có sắc và cuộc đời của những người phụ nữ trong bài viết dưới đây cũng không ít truân chuyên. Bonnie Parker Trong cuộc Đại suy thoái ở Mỹ những năm 30, đã có một cặp “vợ chồng tội phạm” trở nên nổi tiếng thế giới. Tên của họ là Bonnie và Clyde. Không chỉ khiến cho cả nước Mỹ hồi ấy phải bàng hoàng khiếp sợ, đôi tình nhân tàn ác này còn là đối tượng bị truy nã hàng đầu của FBI, với hàng loạt những vụ án cướp bóc, giết người không gớm tay. Vậy nhưng, đối với một bộ phận không nhỏ những người dân nghèo khổ tại Mỹ, Bonnie và Clyde lại chẳng khác gì vị cứu tinh, anh hùng Robin Hood khi… tập trung tổ chức cướp bóc của người giàu để đem về chia cho người nghèo. Sinh ngày...

Vừa có tài vừa có sắc và cuộc đời của những người phụ nữ trong bài viết dưới đây cũng không ít truân chuyên.

Bonnie Parker

Trong cuộc Đại suy thoái ở Mỹ những năm 30, đã có một cặp “vợ chồng tội phạm” trở nên nổi tiếng thế giới. Tên của họ là Bonnie và Clyde.

Không chỉ khiến cho cả nước Mỹ hồi ấy phải bàng hoàng khiếp sợ, đôi tình nhân tàn ác này còn là đối tượng bị truy nã hàng đầu của FBI, với hàng loạt những vụ án cướp bóc, giết người không gớm tay. Vậy nhưng, đối với một bộ phận không nhỏ những người dân nghèo khổ tại Mỹ, Bonnie và Clyde lại chẳng khác gì vị cứu tinh, anh hùng Robin Hood khi… tập trung tổ chức cướp bóc của người giàu để đem về chia cho người nghèo.

Sinh ngày 1/10/1910 ở Rowena, Texas, Mỹ, cô bé Bonnie Elizabeth Parker ngay từ nhỏ đã nhận được rất nhiều sự yêu quý của mọi người với gương mặt xinh xắn cùng tài năng nghệ thuật thiên bẩm. Vậy nhưng tất cả đều sụp đổ khi Bonnie Parker bước vào năm hai trung học, đánh dấu bằng cuộc “hôn lễ vội” giữa cô và người bạn trai cùng lớp Roy Thornton. Mối tình “chớm nở chóng tàn” này kết thúc sau khi Roy bị bắt vào năm 1929. Vậy nhưng chỉ một năm sau đó, Bonnie Parker đã ngay lập tức rơi vào lưới tình với Clyde Barrow – trước khi trở thành cặp đôi tội phạm sừng sỏ nhất trong lịch sử của nước Mỹ.

Những tội ác của Bonnie Parker dường như đã bị “ác quỷ hóa”. Sau bao năm nhìn lại, người ta vẫn chưa thực sự chứng minh được rằng cô gái này có liên quan đến các vụ giết người và xả súng cướp bóc trên khắp nước Mỹ. Liệu cô là đồng phạm hay chỉ là “bóng hồng” lụy tình đi theo Clyde? Sẽ chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi này bởi lẽ vào sáng 23/5/1934, cặp tình nhân này đã bị cảnh sát tiêu diệt trong một cuộc phục kích với hơn 167 phát đạn – chấm dứt nỗi ám ảnh dai dẳng của cả nước Mỹ về hai tên tội phạm máu lạnh, tàn độc.

Năm 1967, bộ phim Bonnie&Clyde với sự xuất hiện của nữ minh tinh Faye Dunaway (thủ vai Bonnie) đã “ẵm được” hai giải Oscar danh giá. Bên cạnh đó, Bonnie&Clyde cũng được coi là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm điện ảnh và văn hóa sau này.

Lina Cavalieri

Sinh năm 1874 tại Ý, nữ nghệ sĩ đa tài Lina Cavalieri được coi là một trong những “người phụ nữ đẹp nhất thế giới”. Không chỉ là một ca sĩ Opera với giọng hát trời phú, mà bà còn gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng thời bấy giờ thông qua các vai diễn xuất sắc trên các sân khấu kịch lớn nhỏ tại Paris.

Tuy vậy, cuộc sống cá nhân của bà lại hoàn toàn “trái ngược” lại với nhan sắc và tài năng. “Hồng nhan bạc phận” – ngay từ hồi 15 tuổi, bà đã trở thành trẻ mồ côi và phải sống một cuộc sống chật vật tại một cô nhi viện công giáo với những luật lệ hà khắc, kham khổ. Thế nhưng, với tâm hồn mạnh mẽ, cô bé Lina Cavalieri lúc ấy đã quyết định bỏ trốn theo một gánh nghệ sĩ lưu diễn tới Paris, nơi mà nữ minh tinh trở nên nổi tiếng sau này.

Từ đó, cuộc đời của Lina Cavalieri ngay lập tức bước sang một trang mới với những lời khen ngợi, tiền bạc và sự nổi tiếng. Thậm chí, tiếng tăm của bà càng ngày càng trở nên “nóng hổi” hơn nhờ vào vụ bê bối tình ái với tài tử Enrico Caruso – khi họ trao nhau nụ hôn say đắm ngay trước công chúng.

Năm 1899, bà kết hôn với người chồng đầu tiên của mình là Alexandre Bariatinsky. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này nhanh chóng chấm dứt chỉ một năm sau đó. Năm 1921, người đẹp quyết định từ bỏ ánh đèn sân khấu để lui về Florence, Pháp với người chồng thứ ba Lucien Muratore. Tại đây, người đẹp mở một thẩm mỹ viện để mưu sinh.

Dù trải qua tổng cộng 5 đời chồng và vô số những chàng tình nhân, nhưng nữ minh tinh một thời vẫn khá “lận đận” với đường tình duyên. Bà ra đi một cách đường đột và đơn độc trong một trận không kích ném bom của Mỹ xuống Paris vào năm 1944.

Bộ phim Beautiful but Dangerous (tên cũ là The Most Beautiful Woman in the World) được ra mắt công chúng vào năm 1956 dựa trên cuộc đời của nữ nghệ sĩ nổi tiếng. Trong bộ phim, Lina Cavalieri được tái hiện dưới lối diễn xuất duyên dáng của nữ diễn viên người Ý Gina Lollobrigida.

Barbara Radziwill

Barbara Radziwill sinh ra trong một gia đình quyền quý của Litva. Ngay từ thuở còn con gái, bà đã sở hữu một sắc đẹp nghiên nước, nghiêng thành và được gả cho một quý tộc trong vùng. Vậy nhưng, cuộc hôn nhân này nhanh chóng chấm dứt sau khi người chồng đầu tiên của bà qua đời.

Sau này, bà đã làm quen với vua Sigismund II Augustus và trở thành tình nhân bí mật của vị vua xứ Ba Lan này – bởi lẽ khi đó vua Sigismund II đã có hôn ước với công chúa Elizabeth của nước Áo, một trong những thành viên của dòng họ Habsburg lừng lẫy cai quản châu Âu.

Tuy nhiên, đến khi Elizabeth qua đời do bạo bệnh, Sigismund II và Barbara Radziwill đã trở thành người tình chính thức của nhau. Đó là lý do vì sao mà nữ hoàng Bona Sforza – mẹ của vua Sigismund II liên tục ngăn cản và kiên quyết chống lại “cô con dâu” mới của mình. Nữ hoàng thậm chí còn cáo buộc bà là phù thủy, sử dụng sắc đẹp và bùa mê để quyến rũ đức vua Ba Lan.

Vào tháng 3/ 1551, Bona Sforza đã chính thức thừa nhận tước hiệu của Barbara Radziwill, trở thành nữ hoàng Ba Lan và Công tước xứ Lithuania. Thế nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì bà đã nhanh chóng qua đời. Nhiều học giả cùng thời cho rằng chính nữ hoàng Bona Sforza đã “đầu độc” Barbara Radziwill. Cũng dễ hiểu vì sau khi vợ mất, vua Sigismund II không bao giờ nói chuyện lại với mẹ mình nữa.

An Epitaph for Barbara Radziwill – bộ phim kể về cuộc đời đầy “biến động” của vị nữ hoàng Ba Lan được ra mắt công chúng vào năm 1982 với sự góp mặt của nữ diễn viên gạo cội Anna Dymna.

Anne Boleyn

Có thể nói, cuộc đời của hoàng hậu Anh Anne Boleyn là một thiên tiểu thuyết với những giai đoạn thăng trầm và kết thúc bằng cái chết oan nghiệt gây chấn động nhất nhì trong lịch sử.

Anne Boleyn (1501 – 1536) là vợ thứ 2 của vua Henry VIII. Bà được coi là người phụ nữ đã làm thay đổi cục diện chính trị của nước Anh với việc ly khai khỏi công giáo La Mã để thành lập một giáo hội riêng. Cho đến nay, Anne Boleyn vẫn được xem là một trong những Vương hậu có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nước Anh.

Bà chính là người phụ nữ đã khiến cho vua Henry VIII phải “cuồng si” vì tình. Dù trước đó đã có vợ là hoàng hậu Catherine, vị vua mù quáng này vẫn quyết định ruồng bỏ vợ để chạy theo nhan sắc của Anne Boleyn.

Tuy nhiên chỉ một thời gian sau, cũng chính tay vị vua này quyết định “phế bỏ” và hành quyết Anne Boleyn. Ở tuổi 30, bà hoàng nước Anh bị chồng mình buộc tội ngoại tình, loạn luân với anh trai George và bị bắt giam vào Tháp London. Vậy là chỉ chưa đầy 3 năm sau ngày cưới, Anne Boleyn đã bị xử tử chém đầu.

Vì không sinh được con trai, Anne Boleyn dần dần bị vua Henry VIII ghẻ lạnh, bội bạc. Bên cạnh đó, cuộc sống buông thả, xa xỉ của bà hoàng nước Anh cũng khiến cho không ít người cảm thấy “chướng mắt”. Tuy vậy, người ta vẫn cho rằng cái chết của bà phần nhiều là do sự trăng hoa, dối trá của đức vua Henry VIII.

Trong bộ phim The Other Boleyn Girl, câu chuyện buồn về cuộc đời của nữ hoàng Anh Anne Boleyn đã được nữ diễn viên tài năng Natalie Portman thể hiện lại một cách chân thực, sống động.

Wallis Simpson

Những ngày gần đây, truyền thông thế giới đều đồng loạt hướng về đám cưới thế kỷ giữa hoàng tử Harry và vị hôn thê – diễn viên nổi tiếng Meghan Markle. Tình yêu của cặp đôi hoàng tử Anh – thường dân Mỹ này đã thu hút nhiều sự chú ý ngay từ những ngày đầu công khai. Vậy nhưng, đây không phải là lần đầu tiên chuyện tình “xuyên lục địa” Anh – Mỹ này xảy ra trong lịch sử hoàng gia Anh.

Wallis Simpson là một thường dân Hoa Kỳ đã có hai đời chồng. Thế nhưng không hiểu bằng một cách thần kỳ nào đó, người phụ nữ này lại “lọt vào mắt xanh” của Công tước xứ Windsor, tức vua Edward VIII của Anh.

Tất nhiên, ý muốn kết hôn với Wallis Simpson của vua Edward VIII đã tạo ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp ở Anh vào năm 1936. Không chỉ có vua George V phản đối, mà ngay cả người dân và hoàng gia Anh cũng coi tình yêu của cặp đôi này chẳng khác gì một vết nhơ của hoàng tộc.

Chính vì lẽ đó, vua Edward VIII bị buộc phải đứng trước 2 sự lựa chọn: ngai vàng và tình yêu. Kết quả là vua Edward VIII đã quyết định thoái vị để lấy “người tôi yêu” thay vì giữ ngai vàng. Với thời gian trị vì 326 ngày, Edward VIII trở thành vị đế vương có thời gian tại vị ngắn nhất trong chiều dài lịch sử hoàng gia Anh. Vì tình yêu, vua Edward VIII đã không ngần ngại từ bỏ ngai vàng và bị gia đình hoàng gia thân yêu tẩy chay.

Tuy vậy, bà Wallis vẫn được tạp chí Time danh tiếng bình chọn là Người phụ nữ của năm vào năm 1936. Lý giải cho danh hiệu này, tạo chí Time cho biết:

“Trong toàn bộ lịch sử của Vương quốc Anh, chỉ có một nhà vua tự nguyện thoái vị vì một người phụ nữ. Và người phụ nữ đó chính là Wallis Simpson!”

Còn về phần cặp đôi “hoàng gia” – tuy bị toàn bộ đất nước và gia đình tẩy chay, cặp đôi này vẫn sống một cuộc đời hạnh phúc, viên mãn bên nhau cho tới khi Edward qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1972.

Mối tình đầy ngang trái và ngọt ngào này đã được nữ ca sĩ nổi tiếng Madonna chuyển thể một cách cực kỳ xuất sắc thông qua bộ phim W.E (2011). Đây cũng là bộ phim được đánh giá cao nhất của Madonna trong vai trò đạo diễn và biên kịch.

Nguồn: Lost Bird

Có thể bạn muốn xem