Khách sập bẫy combo du lịch 30/4 giá rẻ trên mạng

Khách sập bẫy combo du lịch 30/4 giá rẻ trên mạng Lợi dụng tình trạng khan phòng và tâm lý thích giá rẻ của du khách, nhiều tài khoản ảo rao bán combo, lừa tiền cọc tới hàng chục triệu đồng. Sáng 21/4, chị Hoàng Anh đặt 4 combo nghỉ lễ 30/4 qua một tài khoản Facebook trong nhóm tư vấn du lịch Sa Pa. Combo 3 ngày 2 đêm gồm vé xe giường nằm khứ hồi Hà Nội - Sa Pa và phòng nghỉ tại resort 4 sao ở trung tâm thị xã. Giá mỗi gói là 1,9 triệu đồng/người và tổng khoản tiền cần thanh toán là 7,6 triệu đồng. Người bán yêu cầu du khách chuyển khoản cọc 3 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cá nhân, sau đó sẽ gửi mã đặt xe, phòng qua email.Chuyển tiền từ 8h đến 12h cùng ngày không nhận được mã, Hoàng Anh liên hệ lại với người bán thì...

Lợi dụng tình trạng khan phòng và tâm lý thích giá rẻ của du khách, nhiều tài khoản ảo rao bán combo, lừa tiền cọc tới hàng chục triệu đồng.

Sáng 21/4, chị Hoàng Anh đặt 4 combo nghỉ lễ 30/4 qua một tài khoản Facebook trong nhóm tư vấn du lịch Sa Pa. Combo 3 ngày 2 đêm gồm vé xe giường nằm khứ hồi Hà Nội - Sa Pa và phòng nghỉ tại resort 4 sao ở trung tâm thị xã. Giá mỗi gói là 1,9 triệu đồng/người và tổng khoản tiền cần thanh toán là 7,6 triệu đồng. Người bán yêu cầu du khách chuyển khoản cọc 3 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cá nhân, sau đó sẽ gửi mã đặt xe, phòng qua email.

Chuyển tiền từ 8h đến 12h cùng ngày không nhận được mã, Hoàng Anh liên hệ lại với người bán thì tá hỏa phát hiện ra mình đã bị tài khoản này chặn. Hôm sau, cô đăng bài trên các hội nhóm du lịch để tìm kiếm thông tin người bán, hy vọng lấy lại tiền. Nhưng phần lớn bài đăng nhận được phản hồi rằng đây là tài khoản ảo, sử dụng tên và ảnh của người khác để lừa đảo ở nhiều nơi.

Hoàng Anh cho biết đây là lần đầu du lịch Sa Pa nên đăng tìm kiếm phòng trong các hội nhóm. Ngay lập tức cô nhận được đối tượng trên nhắn tin, gửi hình ảnh resort và giới thiệu combo có giá rẻ hơn rất nhiều so với những người khác. Trước đó, Hoàng Anh đã tìm trên các trang uy tín nhưng resort đều thông báo hết phòng, nên quyết định đặt ngay khi biết tin còn phòng.

Khi Hoàng Anh thắc mắc tên chủ tài khoản ngân hàng khác với tên người bán, người này giải thích rằng đó là tài khoản của kế toán công ty. Do thấy tài khoản Facebook người bán có phần giới thiệu "rất chuyên nghiệp", nữ du khách không còn nghi ngờ gì. Hiện cô cảm thấy rất thất vọng và sợ bị lừa lần nữa nên sẽ hủy chuyến đi. Do số tiền không quá lớn, cô không có ý định báo cơ quan chức năng.

Sát dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, rất nhiều du khách không thể đặt dịch vụ du lịch trực tiếp hoặc qua các nền tảng uy tín nên phải tìm đến những hội nhóm trao đổi voucher, combo... trên mạng xã hội. Ảnh: Đức Anh

Sát dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, rất nhiều du khách không thể đặt dịch vụ du lịch trực tiếp hoặc qua các nền tảng uy tín nên phải tìm đến những hội nhóm trao đổi voucher, combo... trên mạng xã hội. Ảnh: Đức Anh

Tương tự, Quỳnh Trang, một du khách từ Hà Nội, cũng sập bẫy combo ảo vì những chiêu trò tinh vi. Giữa tháng 5, khi cô đăng bài trên nhóm du lịch, tìm phòng nghỉ ở Phú Quốc cho chuyến đi ngày 23-26/4, tài khoản Facebook có tên Minh Anh chủ động nhắn tin, giới thiệu combo gồm vé máy bay và một đêm nghỉ resort 5 sao nổi tiếng tại Phú Quốc, với giá 3,1 triệu đồng/người lớn và 1,5 triệu đồng/trẻ em.

Người này gửi cho Trang mã đặt chỗ máy bay, khách sạn và yêu cầu cô thanh toán đủ combo 5 người lớn, một trẻ em. Để tăng độ tin cậy, người này gửi hình chứng minh thư (không cùng tên Facebook) và những giao dịch đã thành công trước đó, song không nghe điện thoại. Sau khi xác nhận có mã đặt chỗ với hãng hàng không và khách sạn, Trang chuyển khoản đủ 17 triệu đồng tới số tài khoản ngân hàng có trùng tên trên chứng minh thư.

Sau một ngày không nhận được email xác nhận, Trang kiểm tra lại trên website các hãng thì thấy mã đặt chỗ đã bị hủy do chưa thanh toán sau 24h. Liên hệ với người bán combo, cô liên tục nhận được những giải thích khó hiểu.

Nghi ngờ mình bị lừa, Trang tiếp tục trò chuyện và nói muốn đặt thêm combo cho đồng nghiệp, nhưng yêu cầu người bán gửi ảnh chụp các khoản đã thanh toán với hãng hàng không, khách sạn. Khoảng 2 giờ sau Trang nhận được những hình ảnh theo đúng yêu cầu mà không hay biết tất cả đã được chỉnh sửa.

Du khách bị lừa tiền khi đặt phòng dịp lễ - 2

Hình ảnh xác nhận mã đặt chỗ Quỳnh Trang nhận được. Ảnh: NVCC

Nhiều ngày sau vẫn không nhận được tin nhắn hay mail xác nhận từ hệ thống, Trang cố gắng liên hệ với người bán nhiều lần, song không nhận được phản hồi. Đến sát ngày khởi hành, cô buộc phải bỏ thêm tiền để tự mua vé máy bay và phòng khách sạn cho cả gia đình vì không thể bỏ lỡ chuyến đi.

Trang cho biết, cô cảm thấy buồn khi bị lừa một số tiền lớn, đặc biệt đây là chuyến đi cả gia đình rất mong đợi. Sau khi Trang đăng tin kêu gọi lên các hội nhóm, nhiều người cùng bị lừa bởi tài khoản ảo trên đã liên hệ với cô để cùng làm đơn tố giác tới Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trước đó, nhiều người có suy nghĩ "của đi thay người" nên bỏ qua khi bị lừa.

Ông Phạm Cao Vỹ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa cho biết, đến nay, các khách sạn ở trung tâm thị xã Sa Pa hầu hết không còn phòng trống trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, hoặc chỉ còn lại rất ít từ phía các đối tác bán combo. Đặc biệt, hiếm doanh nghiệp nào bán combo 2 đêm nghỉ tại khách sạn 4 sao ở trung tâm với mức giá 1,9 triệu đồng.

Tình trạng lừa đảo du khách trên mạng không hiếm và còn tăng cao trong dịp lễ. Ông Vỹ lưu ý, các khách sạn ở Sa Pa đều có những đối tác nhất định để phân phối phòng, vì vậy du khách có thể liên hệ trực tiếp với cơ sở để kiểm tra thông tin người bán và tình trạng phòng trống trước khi giao dịch. Ngoài dịp lễ, du khách có thể đặt phòng ở các đơn vị tham gia chương trình kích cầu của hiệp hội để có giá tốt nhất. Các cơ sở này có logo dán ngoài cửa để du khách nhận diện.

Bài đăng cảnh báo lừa đảo gần đây của anh Đạt trên nhóm thanh lý voucher với hình đăng hàng trăm tài khoản ảo lừa tiền cọc của du khách trên mạng xã hội.

Bài đăng cảnh báo lừa đảo gần đây của anh Đạt trên nhóm thanh lý voucher với hình đăng hàng trăm tài khoản ảo lừa tiền cọc của du khách trên mạng xã hội.

Tìm kiếm từ khóa "lừa đảo" trên các nhóm đặt phòng, tư vấn du lịch, du khách không khó để thấy hàng loạt bài đăng tố giác, cảnh báo. Nguyễn Thành Đạt (Đà Nẵng), quản trị viên nhóm Thanh lý voucher khách sạn, resort với 127.000 thành viên, cho biết vào dịp nghỉ lễ, các đối tượng dùng tài khoản ảo để lừa đảo hoạt động mạnh hơn. Họ lợi dụng tâm lý thích giá rẻ và tình trạng khan phòng ở các điểm đến. Các tài khoản ảo thường dùng hình ảnh cá nhân, tên của người khác để truy cập vào nhóm và giao dịch thông qua tin nhắn, vì vậy quản trị viên khó phát hiện và kiểm soát hết.

Anh Đạt lưu ý, khi mua combo trong các hội nhóm khuyến mãi, giá rẻ trên mạng xã hội, du khách có thể liên hệ với các quản trị viên nhóm hoặc đăng bài để nhờ kiểm chứng mức độ tin cậy. Trước khi giao dịch, du khách cần yêu cầu người bán cung cấp thông tin liên lạc trùng với hình ảnh và tên sử dụng trên tài khoản Facebook, hoặc tên công ty, đại lý du lịch.

Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo trực tuyến thường khoá tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc. Do đó, cơ quan chức năng khó quản lý, truy vết và xử phạt. Để chủ động bảo vệ mình, du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ, các chương trình khuyến mãi, tham khảo thị trường và cảnh giác trước những combo, tour giá rẻ bất thường vào dịp cao điểm. Du khách nên đặt dịch vụ của những công ty uy tín để có đầu mối phản ánh, khiếu nại khi gặp vấn đề trong quá trình giao dịch hay trên đường du lịch.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Lan Hương

Có thể bạn muốn xem