Hồn papa da con gái - Dễ dãi hay ủng hộ phim Việt

Hồn papa, da con gái là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Papa to Musume no Nanokakan (Bảy ngày của cha và con gái) của tác giả người Nhật Takahisa Igarashi.

Tuy nhiên, phiên bản Việt không phải là phim chuyển thể duy nhất từ tiểu thuyết nói trên. Trước đó, Nhật Bản lẫn Hàn Quốc cũng đã sản xuất phim truyền hình nhiều tập và phim chiếu rạp tại đất nước của họ dựa trên tiểu thuyết này.

Dù vậy, các nhà làm phim Hồn papa, da con gái đã có những bước đi khác biệt trong việc xây dựng tình tiết và thay đổi cốt truyện khá thú vị để phù hợp văn hóa Việt Nam hơn. Phim vẫn là câu chuyện hoán đổi thân xác của hai cha con Hải (Thái Hòa) và Châu (Kaity Nguyễn), nhưng chỉ lấy ý tưởng này để xây dựng phim mà không chạy theo sát nguyên tác của tiểu thuyết. Cách làm này mang đến cái nhìn mới mẻ cho bộ phim, nhưng vẫn không thể tránh khỏi cảm giác mô típ và ý tưởng cũ.

hon-papa-da-con-gai-1

Ở góc độ người xem, tuy cùng giới với nhau nhưng tôi vẫn không thể đồng cảm nhiều với nhân vật Châu mà Kaity Nguyễn thủ vai. Nhân vật này được khắc họa giống như một cô gái sống nội tâm khi không thể chấp nhận được sự mất mát trong gia đình vốn trước đó rất hạnh phúc và đầy tình thương.

Thế nhưng cách tương tác trong phim lại khiến tôi cảm giác Châu hướng ngoại nhiều hơn. Chính sự khó hiểu này tạo cho tôi cảm giác lộn xộn trong những phân đoạn mà Kaity Nguyễn vào vai nhân vật Châu với các phân đoạn mà cô nhập vai Hải.

Không ít câu thoại của phim cũng dễ gây nhầm lẫn, chẳng hạn như khi Hải trò chuyện với bà Liên (NSND Hồng Vân) ở gần cuối phim. Tôi không hiểu lắm dụng ý của biên kịch trong việc xây dựng những câu thoại này, nhưng nó khiến một người xem như tôi cảm thấy khó hiểu trước thái độ và cách trò chuyện của nhân vật, đôi lúc quên mất diễn viên đó đang đóng vai nhân vật nào.

Vấn đề ở chỗ, Hồn papa, da con gái khắc họa tính cách của nhân vật Hải và cô con gái Châu khá trái ngược nhau, nên khi hoán đổi thì lẽ ra cả hai nhân vật đều sẽ “khớp” với hình hài mới.

hon-papa-da-con-gai-2

Tuy nhiên, điều đó chỉ thể hiện ở một số chi tiết liên quan đến “sở trường trong công việc” của mỗi người, chứ không tạo được sự khác biệt trong cuộc sống đời thường. Kaity Nguyễn khi là nhân vật Châu vẫn không tạo cảm giác khác biệt với Kaity Nguyễn khi là nhân vật Hải.

Thái Hòa cũng không khá hơn mấy, thậm chí diễn xuất của anh khiến tôi có cảm giác như có gì đó sai sai, giống như anh phải tiết chế quá nhiều so với “bản chất thật” trong những phim trước đây. Có thể do tôi đã quen với những vai diễn cũ của anh nên không mấy ấn tượng với vai Hải trong phim này. Các vai phụ tuy không có nhiều đất diễn nhưng tạo được ấn tượng khá tốt.

Mặc dù nội dung phim cố gắng “phá cách” so với nguyên tác, nhưng tình tiết trong phim lại khá đơn giản, thiếu những tình huống để tạo nên cao trào. Trong khi đó, điều quan trọng nhất là phải tạo được sự biến đổi tâm lý sâu sắc trong nhận thức của hai nhân vật Hải và Châu thì phim lại làm chưa tới, không thật sự thuyết phục người xem ở yếu tố này.

Thay vì tạo những tình huống đáng nhớ để mỗi nhân vật tự nhận ra nỗi lòng của người còn lại, nhà làm phim lại xây dựng tình tiết theo kiểu có một người thứ ba hay thứ tư nào đó vô tình nói cho họ nghe “câu thần chú” khiến mỗi nhân vật ngay lập tức “eureka” ra vấn đề, mang cảm giác khá khiên cưỡng.

Điều khiến tôi cảm thấy thích ở Hồn papa, da con gái là cách mà nhà làm phim “Việt hóa” cuộc sống của một cô nữ sinh cấp ba khá trọn vẹn. Từ những vấn đề rất đời thường như đi trễ, các mối quan hệ với bạn bè và thầy cô, bị phạt lao động cuối giờ cho tới chiếc áo dài trắng tinh bị vấy bẩn. Nhiều tình tiết trong phim cũng thể hiện khá thú vị cuộc sống gia đình của người Việt Nam.

Đặc biệt là phim có những khung hình đẹp và nhiều màu sắc, tạo nên một cuộc sống xã hội đa chiều từ các nhân vật rất cá tính, cả vai chính lẫn vai phụ. Một số tình huống hơi “biến thái” cũng được đưa vào phim nhưng chưa được tinh tế, có thể mang đến cảm giác khá trái chiều tùy vào từng đối tượng người xem.

hon-papa-da-con-gai-3

Kỳ thực, trong rạp mà tôi đi xem thì không nhiều tiếng cười của khán giả trong các cảnh “biến thái” này. Chưa kể là phân đoạn “dịch giả” cố gắng chọc cười cho người xem, nhưng lại khá nhạt và “nhây” một cách không cần thiết. Thế nhưng, điều ấn tượng với tôi là phim có rất nhiều thông điệp ý nghĩa nhưng đó là khi bạn có thể nhìn ra được chúng.

Bộ phim dường như chưa giúp người xem thấy rõ được những thông điệp này. Bạn có thể thấy rất rõ tiếng cười của các nhân vật trong từng thước phim, nhưng có lẽ không dễ để thấy được đằng sau những tiếng cười đó thật sự là gì trong suốt 115 phút thời lượng phim.

Tóm lại, nếu bạn muốn tìm một bộ phim nhẹ nhàng để cùng người ấy đi xem vào những ngày cuối năm nay hay đầu năm mới thì đây là một cái tên rất đáng chú ý. Phim được phân loại C16 không dành cho người dưới 16 tuổi.

Nguồn: Trải nghiệm số

Có thể bạn muốn xem