Hạn chế, khắc phục rủi ro
Ngay sau khi sản phẩm Bảo hiểm tai nạn quân nhân (TNQN) chính thức đi vào hoạt động, Báo Quân đội nhân dân đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc trên cả nước, yêu cầu được biết rõ hơn về “gói” bảo hiểm này. Chúng tôi đã gặp gỡ cơ quan chức năng, tìm hiểu để thông tin với bạn đọc.
Sẻ chia cùng đồng đội
Mục đích quan trọng nhất khi MIC cho ra đời “gói” bảo hiểm TNQN là hạn chế ở mức thấp nhất, cũng như khắc phục những rủi ro của tai nạn. Điều này được bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Bảo hiểm Quốc phòng – An ninh (Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội) nhấn mạnh khi trao đổi với chúng tôi:
– Thực tế hiện nay, phần lớn cán bộ, chiến sĩ LLVT hoạt động trong điều kiện, môi trường, địa bàn, lĩnh vực… tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, những đơn vị làm nhiệm vụ trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… còn nhiều thiếu thốn trong đời sống vật chất, tinh thần và thực hiện nhiệm vụ phức tạp. Xuất phát từ tình hình đó, Bảo hiểm TNQN ra đời với phương châm hoạt động: “Bảo trợ” cho mọi rủi ro. “Gói” bảo hiểm này ra đời nhằm động viên, khích lệ quân nhân, những người tham gia bảo hiểm yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. MIC khuyến khích tự nguyện tham gia Bảo hiểm TNQN, bởi đây là kênh huy động tài chính không từ ngân sách để phục vụ quân đội. Mặt khác, sự tham gia bảo hiểm còn góp phần sẻ chia cùng đồng đội mỗi khi xảy ra tai nạn.
Xuất phát từ mục đích đó, trong những lần tổ chức ký hợp đồng bảo hiểm TNQN với các đơn vị, MIC đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến tới các cán bộ, quân nhân, công nhân viên về công tác phòng tránh rủi ro trong khi thực thi nhiệm vụ của quân đội. Bằng thực tế của những vụ tai nạn đã chi trả bảo hiểm, MIC đúc rút thành kinh nghiệm thực tiễn và đó đã trở thành “cẩm nang” đề phòng tai nạn của những người tham gia bảo hiểm TNQN.
– Vừa khuyến khích tham gia bảo hiểm, vừa tuyên truyền phòng tránh rủi ro, điều đó có “mâu thuẫn” với một “gói” bảo hiểm mang tính tự nguyện? – Tôi hỏi bà Nguyễn Thị Hải Yến.
– Ngay từ khi thành lập, định hướng của sản phẩm bảo hiểm TNQN là gắn bó, hợp tác và phục vụ lâu dài LLVT. Đây không chỉ là sản phẩm kinh doanh đơn thuần mà nó có ý nghĩa về kinh tế và chính trị sâu sắc. Bảo hiểm TNQN ra đời như một lời kêu gọi tinh thần cảnh giác cao độ với nguy cơ xảy ra tai nạn. Bởi vậy, việc vận động các đối tượng tự nguyện tham gia bảo hiểm là một hình thức giúp mọi người nâng cao ý thức phòng tránh rủi ro. Điều này không hề làm giảm mà trái lại, số người tham gia bảo hiểm ngày càng tăng. Nhiều đơn vị trong toàn quân đã trích kinh phí từ nguồn vốn tự có để mua Bảo hiểm TNQN cho đơn vị mình.
Để minh chứng cho điều này, bà Yến cho biết thêm: Ngày 30-9-2009, Cục trưởng Cục Tài chính đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Bảo hiểm TNQN, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại công văn số 3624/VP-BĐ ngày 18-7-2008. Cuối năm 2009, Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ kinh phí mua Bảo hiểm TNQN cho cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ của một số đơn vị đóng quân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (nhóm 1), cụ thể là: Bộ đội Biên phòng; các quân khu (1, 2, 3, 4, 5, 9); Binh đoàn 15, 16; Binh chủng Pháo binh; Tổng cục Kỹ thuật; Bộ Tổng tham mưu; Tổng cục II…
Trong số những vụ chi trả bảo hiểm, chúng tôi được trực tiếp cùng đại diện của MIC đến tận nhà để trao tiền bảo hiểm cho gia đình Thượng úy Đặng Hồng Vinh (Phó phi đội trưởng Đơn vị C31, Đoàn B71, Quân chủng Phòng không – Không quân). Chúng tôi thêm hiểu về ý nghĩa “sẻ chia cùng đồng đội” của Bảo hiểm TNQN khi nghe thân nhân của anh Vinh chia sẻ:
– Khi tham gia Bảo hiểm TNQN, điều đầu tiên mà Vinh nghĩ tới là sẽ góp được một phần nhỏ bé để sẻ chia với đồng đội lúc hoạn nạn. Thế mà bây giờ, người nhận sự sẻ chia ấy lại chính là gia đình mình…
Bảo vệ quyền lợi của quân nhân
Chính thức đi vào hoạt động ngày 31-8-2009, theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm TNQN là sản phẩm có tính chất đặc thù, thiết kế phù hợp với các đối tượng hoạt động khác nhau trong LLVT của Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), nhằm giúp đỡ quân nhân, gia đình quân nhân về tài chính để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, trở lại lao động, công tác sau khi không may xảy ra tai nạn.
Bảo hiểm TNQN được áp dụng với các đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế của Bộ Quốc phòng.
Phạm vi Bảo hiểm TNQN được vận dụng khá rộng rãi trong mọi hoạt động của cuộc sống (như lao động, học tập, thực thi nhiệm vụ, sinh hoạt hằng ngày). Trường hợp không may người được bảo hiểm chết do tai nạn, MIC sẽ trả toàn bộ số tiền bảo hiểm theo hợp đồng; trường hợp bị thương tật thân thể do tai nạn, MIC sẽ trả tiền bảo hiểm theo tỷ lệ thương tật… Số tiền đóng Bảo hiểm TNQN linh hoạt từ mức 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Theo đó, mức phí sẽ được điều chỉnh theo tỉ lệ tương ứng từ 0,21% đến 0,562%.
Trường hợp người được bảo hiểm bị tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm đã được trả tiền bảo hiểm, trong vòng một năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, người được bảo hiểm bị chết do hậu quả của tai nạn đó, MIC trả thêm phần chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc trong hợp đồng bảo hiểm với số tiền đã trả trước đó. Trường hợp hậu quả của tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm bị trầm trọng hơn do bệnh tật hoặc sự tàn tật có sẵn của người được bảo hiểm điều trị vết thương không kịp thời và không theo chỉ dẫn của cơ quan y tế, MIC chi trả tiền bảo hiểm như đối với loại vết thương tương tự ở người có sức khỏe bình thường được điều trị một cách hợp lý.
Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm là một năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Thời hạn trả tiền bảo hiểm của MIC là 7 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường đầy đủ, hợp lệ và không quá 30 ngày nếu phải tiến hành xác minh hồ sơ. MIC đã bố trí 60 điểm giao dịch trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo chi trả bảo hiểm nhanh nhất.
Cần phải nói rõ là: Các đối tượng tham gia Bảo hiểm TNQN, vẫn được tham gia và hưởng mọi quyền lợi của các loại hình bảo hiểm khác. Bảo hiểm xã hội là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc với các đối tượng trong và ngoài quân đội. Còn Bảo hiểm TNQN là sản phẩm bảo hiểm con người, bảo hiểm tự nguyện. Vì vậy, các đối tượng tham gia Bảo hiểm TNQN, không may bị tai nạn dẫn tới thương tật hoặc hy sinh, tử nạn, không những được hưởng toàn bộ chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội, mà còn được hưởng chế độ bảo hiểm do MIC chi trả theo cam kết trong hợp đồng.
Bài và ảnh: Mai Phương – Hồng Thạnh
www.qdnd.vn