Giết Con Chim Nhại - To Kill A Mockingbird

Tác phẩm lấy bối cảnh ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama trong những năm 1930. Atticus Finch, một luật sư da trắng, được chỉ định đứng ra bảo vệ Tom Robinson – một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một người phụ nữ da trắng – Mayella Ewell.

Giết con chim nhại là một tội ác cho bất kỳ một đứa trẻ nào lần đầu cầm súng hơi, vì bọn trẻ chỉ nên bắn vào những chiếc lon thiếc ở sân sau nhà và vì chim nhại vô hại đã cho những tiếng hót ngân nga góp vui cho đời. Những con chim nhại đã được Harper Lee chuyển tải thành những thông điệp bất hủ, đầy tính nhân bản trong tác phẩm duy nhất của bà và liền một năm sau đó, đã được dựng thành phim điện ảnh với nhiều giải thưởng danh giá bao gồm Putlizer và Oscar lần lượt cho cả tiểu thuyết và phim.

Với danh tiếng đó, bài viết này mình không cần phải tập trung quá nhiều vào ý nghĩa của câu chuyện vì đã có báo chí, chuyên gia phân tích rồi. Mình sẽ tập trung vào nội dung của bộ phim và cố gắng so sánh giữa kịch bản chuyển thể so với tác phẩm gốc để bạn có thể thấy rằng, phiên bản điện ảnh là một góc hiện thực hoá bối cảnh và nhân vật trong tiểu thuyết nhằm đạt được mục tiêu cốt lõi do nhà biên kịch hoặc của đạo diễn đặt ra, hơn là cho thấy phiên bản điện ảnh kém hấp dẫn hơn so với tiểu thuyết như thế nào. Điều này cũng một phần xoá nhoà đi ranh giới của những bộ phim điện ảnh thường bị gán ghép “kẻ đi sau” tiểu thuyết, chỉ là bạn đang đứng trên những quan điểm của cái này để đánh giá cho cái kia.

1. Phân biệt chủng tộc

Xoay quay câu chuyện qua lời kể của Scout – cô bé 6 tuổi, là người dẫn dắt người xem – về một hạt Maycomb mệt mỏi những năm 1932, lúc mà “không có tiền để mua và cũng không có gì để mua” đang trải qua một mùa hè nóng nhất, khi mà bang Alabama, một bang phía Nam nước Mỹ rất nặng quan điểm về phân biệt chủng tộc. Bố của Scout, Atticus, vị luật sư goá vợ nuôi hai đứa con nhỏ mang nặng những nỗi lòng về cách giáo dục những đứa trẻ sao cho chúng trở thành người tốt, biết suy nghĩ và tự định hình tính cách. Và nếu tiểu thuyết đặt Scout vào vị trí trung tâm, thì ở điện ảnh Scout chỉ là người dẫn truyện và kể về bố Atticus, người chấp nhận lời làm luật sư bào chữa cho Tom Robinson, một anh chàng da đen, bị gán tội cưỡng hiếp và đánh đập một người phụ nữ da trắng. Hãy hiểu rõ về bối cảnh, khi xã hội xem người Da Đen thấp kém, chỉ xứng làm người hầu phụ việc trong gia đình của người Da Trắng, thì việc một luật sư Da Trắng bào chữa cho người Da Đen là một chuyện bất thường, vượt qua sự tưởng tượng của một gia đình tốt, dòng tộc tốt của bất kỳ người Da Trắng nào.

Khi Scout sẵn sàng đánh trả bạn bè vì dám trêu rằng “bố mày bênh vực bọn mọi đen”, Scout chưa hiểu tại sao bố phải làm vậy, thì chính bố Atticus nói rằng “đây là việc phải làm”, vì đây là cách duy nhất Atticus có thể chứng minh với 2 đứa con của ông là những quan điểm ông làm là đúng đắn với đạo đức cơ bản của một con người.

giet-con-chim-nhai-1

Sự chính trực, khiêm cung và nhân văn của một con người thể hiện qua hành động cho dù phải thất bại trăm lần nhưng người đó vẫn sẽ cố gắng để thực hiện, dù biết phía trước là thất bại, để sau này có thể nói rằng ta đã cố thành công. Việc chiến thắng của một người Da Đen là điều không thể, sự nỗ lực của Atticus là bằng chứng sống động cho thấy có sự lung lay trong suy nghĩ của những người Da Trắng, đã chạm tới đáy nhận thức đạo đức mà một kẻ theo Chúa hoặc theo bất kỳ một tôn giáo có thể cảm nhận được, rằng sự bất công của lòng kiêu hãnh ích kỷ đã dẫn đến sự bất công của xã hội chôn vùi những luân thường đạo lý con người, và hành động bào chữa như một hồi chuông cảnh tỉnh tất cả rằng, như Atticus nói Hiến Pháp quy định con người là bình đẳng, và toà án là nơi thực thi quyền đó lại là nơi hiển thị rõ rệt nhất sự phân biệt kì thị chủng tộc.

Bố Atticus của phim sắc sảo như một vị luật sư từng trải, thì bố Atticus của truyện là một người giáo dục nhân bản. Nếu phim chỉ có thể phác hoạ một bố Atticus đấu tranh hết mình vì quyền con người, vì lòng bác ái thì bố Atticus của truyện sẽ là một người cha vĩ đại mà bất kỳ một ai mong ước có. Bộ phim đã làm trọn vai trò của Atticus nhất khi phản ánh qua ông để nói lên vấn nạn phân biệt chủng tộc nặng nề trong những năm phim phát hành.

2. Giáo dục nhân bản

Để Scout dẫn dắt mạch truyện như trong sách để thể hiện sự định hình tính cách của Scout và anh trai Jem. Từ những đứa trẻ ham chơi, những suy nghĩ của Scout phản ánh qua từng mùa hè rong ruổi khắp xóm cùng Jem và Dill, tò mò về cuộc sống của người bạn bí ẩn Boo Radley đã đưa những đứa trẻ vào cuộc phiêu lưu kỳ thú của tuổi thơ, mà qua đó những sự kiện của người lớn và chính bản thân của đứa trẻ sẽ quyết định nên tính cách.

Bạn không cần phải có một ông bố Atticus để chỉ dẫn, mà chỉ cần có một trái tim rộng mở như bố Attticus nói rằng: “Ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ” khi ông khuyên Scout hãy vì ông mà chấp nhận những lời đàm tếu và trêu chọc của bất kỳ ai, vì chính bản thân ông và chính vào cách nhìn nhận con người Scout. Scout và Jem luôn suy nghĩ Boo Radley là một người bí ẩn mang trái tim nặng trĩu của tội lỗi năm xưa. Nhưng chính Boo Radley đã cứu Jem và Scout khỏi tay kẻ ác. Và khi Scout dẫn Boo Radley về nhà, Scout nhận thấy rằng mình đang đặt mình vào vị trí của Boo Radley để thấy cảnh vật xung quanh, để hiểu mọi thứ về người bạn già mà sau này cô bé không còn cơ hội để gặp lại nữa.

giet-con-chim-nhai-2

Khi Atticus hỏi Scout: “Con nghĩ sao về việc này?”, Scout trả lời: “Giống như giết một con chim nhại vậy!”. Khi Boo cứu Scout và Jem, Boo đã ngộ sát một mạng người, mà chính cái mạng người ấy lại khiến một anh Da Đen bị dồn vào cõi chết. Câu trả lời đúng hay sai khi Scout nói như vậy vẫn là đề tài tranh cãi cho đến ngày hôm nay, nhưng cũng không làm mờ đi tính nhân bản của việc giáo dục đúng dắn, đặc biệt là trẻ em cần được học ngay từ nhỏ và người lớn cần phải rèn dũa đức tính bao dung, từ bi, bác ái đó.

Trong truyện sẽ nói rõ hơn rất nhiều về tính giáo dục, nhưng với bộ phim vậy là đủ để người xem thấu hiểu trong cách giải thích “Giết con chim nhại”. Dù vậy, nếu bộ phim đi sâu hơn vào cách giải thích tâm lý biến đổi của Jem và Scout sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.

Đừng giết con chim nhại

Việc Scout nghĩ rằng đem Boo Radley rụt rè ra trước công chúng cũng giống như giết con chim nhại vậy. Bằng cách nào đó, tác giả (Harper Lee) đã đưa hình ảnh con chim nhại nhiều lần trong sách, để ẩn dụ việc con người sinh ra lương thiện đã bị đẩy vào những con đường sai trái, lệch lạc và đen tối của xã hội và chết đi trong tâm hồn như những con chim nhại bị giết vậy. Về bộ phim, việc chúng ta dùng trí tuệ để phân xử, để đưa một việc ra công lý cần đòi hỏi một nhận thức sáng suốt mà để có được đó, chúng ta cần phải có một sự giáo dục đúng đắn. Đặt những đứa trẻ vào cách hiểu sai, lệch lạc, thiếu kiến thức chính là hành động giết con chim nhại, mà chính xác là giết những con chim nhại non chưa hiểu cuộc đời.

Hình ảnh giết con chim nhại mà qua cả phim và sách, đều cho thấy một con người bị biến chất bởi thành kiến, hủ tục, đặc quyền, phân biệt chủng tộc vì bất cứ lý do gì – màu da, giới tính, xu hướng tính dục, tôn giáo, đảng phái, lợi ích nhóm. Hãy đừng giết con chim nhại khi chính bản thân mình là một con chim nhại bị giết trước đó.

Kết

Nếu bạn yêu thích sách, thì hãy coi phim và ngược lại. Bạn sẽ không hối tiếc khi cảm thấy cùng một ý nghĩa với hai cách diễn đạt khác nhau.

Và nếu bạn thực sự yêu thích nội dung của Giết con chim nhại, hãy sống là một người tử tế, ít nhất đừng phán xét một ai đó nếu bạn thật sự chưa hiểu rõ ràng về người đó, để chính những phán xét của bạn là vũ khí, độc dược hại chính bạn mà thôi. Như Jem, chỉ nên bắn vào lũ giẻ xanh, đừng bắn vào chim nhại, vì đó là loài chim “chẳng làm gì cả ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó”.

Nguồn: ikanfilm – VNwriter

Có thể bạn muốn xem