Độc đáo kiến trúc của biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột

Không xa hoa, tráng lệ như dinh Bảo Đại ở Đà Lạt, cũng không cổ kính như tòa biệt thự Bảo Đại ở Đồ Sơn, nhưng biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, vẫn khiến du khách phải yêu thích khôn nguôi. Sự hình thành của biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột Biệt điện Bảo Đại hay Lầu Công sứ là một công trình nổi tiếng của Đắk Lắk nằm ở số 4 đường Nguyễn Du, phường Tân Tiến, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Ban đầu, nơi đây là một ngôi nhà sàn được dựng lên bằng gỗ, tre, nứa… đến

Không xa hoa, tráng lệ như dinh Bảo Đại ở Đà Lạt, cũng không cổ kính như tòa biệt thự Bảo Đại ở Đồ Sơn, nhưng biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, vẫn khiến du khách phải yêu thích khôn nguôi.

Sự hình thành của biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột

Biệt điện Bảo Đại hay Lầu Công sứ là một công trình nổi tiếng của Đắk Lắk nằm ở số 4 đường Nguyễn Du, phường Tân Tiến, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.

Ban đầu, nơi đây là một ngôi nhà sàn được dựng lên bằng gỗ, tre, nứa… đến năm 1926, khi Pháp chuyển cơ quan hành chính từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột thì nó được dựng lại bằng gạch, đá và xi măng kiên cố để bản chỗ ở cho Sabatier - công sứ của chính phủ Pháp tại Tây Nguyên, cũng như trụ sở cơ quan đầu não của chính quyền bảo hộ.

Sau sự thành công của cách mạng năm 1945, vào năm 1950 tòa nhà được giao cho Chính phủ Việt Nam để làm trụ sở của hội đồng cố vấn Cách mạng. Rồi khi Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam thì nó trở thành 1 trong 7 khu nghỉ dưỡng, săn bắn của vua Bảo Đại lúc đương vị, vì vậy cái tên “biệt điện Bảo Đại” được ra đời.

Tòa nhà có màu vàng nổi bật (Ảnh @tnghilavie)

Đến khi chính phủ của cựu hoàng Bảo Đại sụp đổ thì tòa nhà được sử dụng làm chỗ nghỉ ngơi cho các tướng tá mỗi khi đến Đắk Lắk công tác. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975 thì được sử dụng như một Nhà khách của tỉnh để đón tiếp các vị lãnh đạo cấp cao. Và rồi đến hiện nay thì được xem như một bảo tàng dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk.

Có thể nói, tòa biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột như một nhân chứng lịch sử chứng kiến bao sự thay da đổi thịt và phát triển của đất nước, chính vì vậy vào năm 1999, nó đã được Bộ văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, thu hút hàng ngàn người ghé thăm mỗi năm.

Những điều thú vị tại biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột

Nằm trên một cồn đất nhân tạo có diện tích hơn 2km2, cao lên so với mặt sân gần 2m, dinh Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột gây ấn tượng với kiến trúc kết hợp hài hòa giữa chất Tây Nguyên mộc mạc với phong cách Châu Âu cổ điển như: mang dáng dấp của một ngôi nhà dài truyền thống của người Ê-đê với mái nhọn và sàn gỗ, nhưng các bức tường lại được sơn màu vàng nổi bật, với chất liệu xây dựng là bê tông vững chắc, cùng những cột trụ lớn.

Kiến trúc Đông - Tây hài hòa (Ảnh @hangpham__18)

Kiến trúc này khác hẳn với một dinh thự khác của Bảo Đại cũng ở Đắk Lắk nhưng nằm bên hồ Lắk – nơi được ông và gia đình sử dụng trong thời gian làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Vì công trình đó hoàn toàn được xây dựng theo kiến trúc Châu Âu với 4 tầng, cửa được làm bằng kính và có màu hồng ấn tượng.

Dinh thự sang trọng bên hồ Lắk (Ảnh @yenmy99)

Các căn phòng bên trong cũng được bài trí rất trang nhã, gần gũi, còn nộ thất như: giường, tủ hay bàn ghế cũng được bày trí đơn giản, có phần hơi đơn sơ nhưng vẫn tinh tế, chứ không có kiểu cách xa hoa và cầu kỳ như dinh Bảo Đại ở Đà Lạt, khiến du khách bước vào có cảm giác rất thân thuộc.

Thiết kế các phòng đơn giản mà tinh tế (Ảnh @ph.na.an)

Điểm nổi bật tại biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột là khuôn viên rộng rãi lên tới 7 ha đều được sử dụng để trồng rất nhiều cây nguyên sinh và hoa cỏ như: long não, bằng lăng, cà chít, châm mũi nhọn…có cây có tuổi thọ lên đến 100 tuổi, tỏa bóng xum xuê, khiến bầu không khí lúc nào cũng tươi mát, ngát hương hoa và rộn ràng tiếng chim.

Song, ấn tượng nhất phải kể đến 2 cây long não hay rã hương – 1 loại cây thân gỗ lớn, thuộc dạng thường xanh, nằm đối xứng ở hai bên lối vào. Được biết, chúng cao tới 30m và chu vi thân cây to khoảng 8m, nên được mệnh danh là những cây long não to nhất Việt Nam.

Hơn nữa, chúng còn có dáng đẹp hiếm thấy, cành cây tỏa ra các bên gần như đối xứng với nhau, vì vậy đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “cây si sản Việt Nam” trẻ tuổi nhất.

Cây long não xum xuê đồ sộ (Ảnh @quangforwhat)

Không chỉ vậy, trong biệt thự Bảo Đại này còn trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị về văn hóa của hơn 44 dân tộc đang sinh sống ở Đắk Lắk, nổi bật như không gian văn hóa cồng chiêng, tranh ảnh, trang phục truyền thống, trống đồng…

Nét đẹp các dân tộc ở Tây Nguyên (Ảnh @mit.sxsx)

Hay những vật dụng từ thời đại sứ Pháp như: bàn họp hội nghị, máy phát nhạc dạng hộp cổ bằng gỗ, điện thoại bàn quay số, các loại tiền cổ của Việt Nam và các nước, cùng con dấu và chữ ký của Quốc Trưởng Bảo Đại…

Cổ vật quý còn lưu lại (Ảnh @luongngocbich251016jade)

Đến biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột vào một ngày đầy nắng, du khách có thể ngồi trên chiếc ghế dưới những tán cây để tận hưởng những làn gió mát lạnh thổi qua và hít thật sâu không khí bình yên và trong lành nơi đây, chắc chắn bao nóng bức hay mệt mỏi thì cũng tan biến ngay thôi.

Thậm chí, bạn có thể đem theo những đồ ăn nhẹ hay nước trái cây hay ly cà phê thơm nức nổi tiếng của vùng đất Ban Mê rồi làm một bữa picnic nhỏ trên thảm cỏ xanh mướt, mịn màng, vừa tâm sự vừa thả hồn theo phong cảnh tuyệt mỹ nơi đây, chắc chắn sẽ hạnh phúc lắm cho xem.

Thư giãn dưới bóng cây (Ảnh @maikym84)

Ngoài ra, đây còn là địa điểm lý tưởng để các trường học tổ chức buổi tham quan cho các em học sinh, vừa là để thư giãn, vừa để các em có thể trải nghiệm một cách chân thực về những câu chuyện lịch sử đã được học trên sách giáo khoa, đảm bảo sẽ là chuyến đi cực kỳ bổ ích và lý thú đấy.

Nếu đã quá quen với những thác nước, những ngôi nhà sàn hay những cánh rừng nơi đại ngàn Tây Nguyên thì biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột chính là nơi giúp bạn khám phá một khía cạnh khác của vùng đất xinh đẹp này.

Thúy Quỳnh (Tổng hợp) - GTOPVN.com.vn

Ảnh: Internet

Có thể bạn muốn xem