Đi thăm những làng gốm đẹp ở Việt Nam, tự tay làm gốm như một nghệ nhân
Những làng gốm đẹp ở Việt Nam là nơi gìn giữ nghề làm gốm truyền thống lâu đời, mang lại nhiều trải nghiệm du lịch thú vị, hấp dẫn cho du khách.

Những làng gốm đẹp ở Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời
1. Làng gốm Bát Tràng
Một trong những làng gốm đẹp ở Việt Nam được du khách trong và ngoài nước yêu thích nhất chính là làng gốm Bát Tràng, nằm ở xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Làng nghề truyền thống này được hình thành từ thời nhà Lý, có lịch sử hình thành và phát triển đến 500 năm.

Rời trung tâm thủ đô khoảng 10 km, du khách sẽ đến với một làng nghề Bát Tràng rộng lớn, quy tụ hơn 600 cơ sở sản xuất gốm lớn nhỏ. Gần như các hộ gia đình trong làng đều tiếp nối nghề làm gốm mà cha ông để lại, mang đến đa dạng các sản phẩm gốm sứ với chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu đất sét trắng.

Xưa kia, làng gốm Bát Tràng là một gò đất sét cao nằm ở khu vực tả ngạn sông Hồng. Dần dần nghề làm gốm ra đời, biến nơi này trở thành một làng nghề có lịch sử lâu đời, lưu giữ những tinh hoa trong nghệ thuật gốm. Các sản phẩm gốm thủ công ở Bát Tràng được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và công năng sử dụng.

Ngày nay nếu có du lịch Hà Nội và thăm Bát Tràng, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm gia dụng, gốm trang trí, gốm mỹ thuật cho đến các loại gốm xây dựng, đồ thờ tự. Đặc biệt, khi đến thăm làng nghề này, bạn còn có cơ hội tự tay trải nghiệm làm nên những sản phẩm gốm yêu thích.

Làng gốm Bát Tràng sau hàng trăm năm hình thành và phát triển đã cung ứng sản phẩm gốm ra khắp mọi miền và xuất khẩu sang nước ngoài. Ngày nay, điểm đến này vừa hút khách du lịch trong nước, vừa là tọa độ check in rất được lòng khách quốc tế. Khuôn viên làng gồm có nhiều cửa hàng đẹp, nhiều khu vực chụp ảnh công cộng ấn tượng, mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách.
2. Làng gốm Chu Đậu
Thêm một làng nghề trăm tuổi chuyên sản xuất gốm sứ truyền thống ở Việt Nam, đó là làng gốm Chu Đậu thuộc địa phận xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Theo lịch sử ghi lại, làng gốm này hình thành từ thế kỷ thứ 14, sau đó phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 15, 16.

Làng gốm Chu Đậu Hải Dương một trong những làng gốm đẹp ở Việt Nam xuất hiện từ rất sớm. Tuy nhiên, những biến động lịch sử và thời cuộc khiến làng nghề này thất truyền. Tuy nhiên, đến năm 2001, gốm Chu Đậu được nghiên cứu nhằm phục hồi lại kỹ thuật sản xuất, chất men và kiểu dáng, dần dần đưa làng nghề trở lại thời kỳ đỉnh cao.

Điều làm nên sự khác biệt của làng gốm Chu Đậu chính là chất liệu đất sét trắng lấy từ Trúc Thôn, Hải Dương. Đất sét sau khi khai thác được hòa với nước, lọc qua hệ thống máng và bể ngắn để tạo ra chất lỏng nhuyễn, thêm phụ gia rồi tiến hành tạo thành các sản phẩm gốm. Bằng đôi tay tài hoa, những nghệ nhân ở làng nghề cho ra đời tác phẩm đẹp mắt, khéo léo.

Bên cạnh chất liệu gốm đặc biệt, họa tiết và hoa văn của làng gốm Chu Đậu cũng rất độc đáo. Những đường nét hoa văn trên loại gốm này mang ý nghĩa về triết lý, tín ngưỡng, tâm hồn người Việt. Hình ảnh chim Lạc Việt, hoa sen, hoa cúc,… được thực hiện theo phương pháp vẽ dưới men bền đẹp, tinh xảo.

Ngày nay, làng gốm Chu Đậu cung cấp 3 dòng gốm truyền thống phục vụ cho các hoạt động xuất khẩu, sản phẩm gia dụng và các loại gốm cổ. Đến thăm làng gốm này, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những chiếc bình tỳ bà, bình cúp ngũ hành, ấm rượu rồng,… được thực hiện cực kỳ tinh xảo, mãn nhãn.
3. Làng gốm Thanh Hà
Nếu có du lịch Hội An, bạn nhớ đi thăm làng gốm Thanh Hà. Đây là làng gốm thuộc làng Thanh Hà, phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Với vị trí nằm bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, làng gốm Thanh Hà đã có lịch sử hình thành, phát triển lên đến 500 năm. Ngày nay, làng gốm này trở thành điểm đến được yêu thích ở Quảng Nam.

Làng gốm Thanh Hà nổi tiếng với các dòng sản phẩm bằng đất nung đẹp và bền, từng được nhà Nguyễn đưa vào danh sách “thổ sản quốc gia”. Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng gốm này là vào thế kỷ 17- 18. Đó là thời điểm mà người người, nhà nhà ở địa phương này sử dụng gốm Thanh Hà.

Điểm tạo nên sự khác biệt của làng gốm Thanh Hà chính là nguyên liệu làm gốm, tạo nên những sản phẩm có màu đỏ cam vô cùng nổi bật. Chính vì thế, làng gốm đẹp ở Việt Nam này chủ yếu sản xuất các loại tranh, tượng và đèn trang trí, phục vụ nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu.

Có lịch sử hình thành lâu đời và từng phát triển hưng vượng nhưng làng gốm này từng rơi vào quên lãng. Tuy nhiên từ khi Unesco công nhận Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, làng nghề này cũng dần “sống dậy” và trở thành điểm đến thu hút du khách ở miền đất Hội An xinh đẹp.

Ngày nay khi đến thăm làng gốm này, du khách sẽ trả tiền vé 35.000 đồng để có cơ hội trải nghiệm vẻ đẹp làng gốm, đi thăm đình Xuân Mỹ, xem các nghệ nhân thực hiện những sản phẩm gốm độc đáo. Đặc biệt nhất là cơ hội tự tay làm nên những món đồ bằng gốm mang đậm dấu ấn cá nhân của bạn.
4. Làng gốm Bàu Trúc
Bàu Trúc cũng là làng gốm truyền thống chuyên sản xuất gốm rất nổi tiếng, tọa lạc tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với kỹ thuật nung độc đáo, cho ra đời loạt sản phẩm mang dấu ấn văn hóa Chăm đặc trưng, không nhầm lẫn với gốm của bất kỳ địa phương nào.

Ngày nay, làng gốm đẹp ở Việt Nam này có khoảng 400 hộ sản xuất gốm, hoạt động năng suất và nhộn nhịp, luôn sẵn sàng đón du khách ghé tham quan. Đến thăm làng gốm này, du khách sẽ bị cuốn vào một không gian tuyệt đẹp với những khu nhà trưng bày có đầy đủ nồi niêu, chum vại, chén bát, ấm nước,...

Được biết, gốm Bàu Trúc được sản xuất hoàn toàn thủ công và ứng dụng kỹ thuật nung ngoài trời, đốt bằng củi và phủ thêm rơm trong điều kiện nhiệt độ 700 – 900 độ C để cho ra đời sản phẩm có độ bền cao cùng chất lượng vượt trội. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho gốm sứ Bàu Trúc.

Có dịp du lịch Ninh Thuận và khám phá làng nghề này, du khách còn có cơ hội xem các nghệ nhân biểu diễn tạo hình gốm với những thao tác điêu luyện đẹp mãn nhãn. Ngoài ra, bạn còn có thể tự tay trải nghiệm làm gốm, vẽ các hoa văn hoặc nung gốm trên lửa để hiểu thêm về các công đoạn làm gốm.

Mỗi làng gốm đẹp ở Việt Nam đều có một lịch sử hình thành và phát triển khác nhau qua từng thời kỳ, từng giai đoạn. Dù khác nhau về quá trình phát triển và kỹ thuật tạo hình, sản xuất nhưng gốm sứ của các làng nghề truyền thống Việt Nam đều được yêu thích nhờ chất lượng cao, mẫu mã đẹp và bền theo thời gian.
Trà Văn (tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Instagram