CODA - Điều gì đã giúp phim chiến thắng hạng mục Phim hay nhất tại Oscar 94?

Bộ phim xoa diệu tâm hồn như CODA xứng đáng nhận được những cái gật đầu từ giới chuyên môn.

Có lẽ bên cạnh cú tát “trời giáng” của Will Smith lên Chris Rock, chiến thắng của CODA cũng chính là một sự bất ngờ rất lớn tại giải Oscar năm nay không phải vì chất lượng bộ phim không xứng đáng mà đến từ chính sự bức phá của CODA trước những đối thủ “cộm cán”. Vượt qua những tên tuổi “cây đa cây đề” Don’t Look Up, Licorice Pizza, King Richard, Nightmare Alley, Belfast, West Side Story, Drive My Car, Dune và đặt biệt là The Power of the Dog với tất cả 12 hạng mục được đề cử, điều gì đã giúp CODA chiến thắng ngoạn mục trước đối thủ đáng gờm này tại đề cử phim hay nhất Oscar năm nay?

Phải nói việc CODA lên ngôi tại giải thưởng lần này là một tiền lệ tại Oscar từ trước đến nay. Ngoài việc nó là một phim streaming, hiếm khi nào hạng mục đặc sắc nhất của giải thưởng lớn điện ảnh nhất hành tinh lại trao cho một câu chuyện xoay quanh vấn đề gia đình với những tình tiết rất đỗi nhẹ nhàng, bình dị và không có nhiều đột phá trong mạch truyện như vậy. Thế nên, thật không khó hiểu khi chiến thắng của tác phẩm này được đánh giá là bộ phim ẵm giải khó tin nhất trong lịch sử Oscar từ trước đến nay. 

 

Chưa hết, được đề cử ở 3 hạng mục, rinh gọn luôn cả 3 chiếc cúp, quả thật không còn gì ngọt ngào hơn những điều đã đến với CODA ở Oscar năm nay, chỉ có thể dành tặng sự tán dương và ngưỡng mộ cho một bộ phim tuy không được đánh giá quá cao về chủ đề, tình tiết và diễn tiến câu chuyện song chính những sự ngọt ngào và ấm áp đến nao lòng của CODA cùng với ý nghĩa nhân văn cao cả từ phim đã giúp CODA tiến đến vinh quang rực rỡ này.

(nguồn ảnh: Internet)

Xuất phát từ tên phim, CODA viết tắt của "Child of Deaf Adults" (Con của phụ huynh khiếm thính) đã cho người xem cảm thấy rõ sự khác biệt của mình so với các tác phẩm. Bộ phim xoay quanh một gia đình khiếm thính sống bằng nghề đánh bắt hải sản tại thành phố Gloucester, bang Massachusetts (Mỹ). Con gái út của họ - Ruby (Emilia Jones đóng) là người duy nhất trong nhà có thể nghe và giao tiếp bình thường với mọi người. Ruby đứng trước quyết định theo đuổi ước mơ ca hát của bản thân hay sẽ chọn ở lại miền quê để phụ giúp những người thân trong gia đình mình? 

Cái hay của CODA là thay vì xoáy sâu và nhấn mình, đục khoét vào sự bất hạnh, đáng thương của gia đình Ruby, phim đã chuyển hướng tập trung khai thác vào những câu chuyện mang giá trị nhân văn cao về hoài bão, ước mơ, về khát vọng được thay đổi cuộc sống và trân trọng mọi thứ bản thân mình đang có, xem trọng hạnh phúc gia đình. Bộ phim đem đến một làn gió mát dịu, gieo mầm xanh hy vọng cho những tâm hồn với những chi tiết, hình ảnh gần gũi, giản dị và sát với cuộc sống. Bức tranh của gia đình nhà Ruby hiện lên rất đỗi bình dị, dù phim xoay quanh một gia đình có khiếm khuyết về bản thân song không hề nặng nề, tiêu cực hay bi lụy thái quá.

(nguồn ảnh:Internet)

Một điều đặt biệt khác đưa CODA chạm đến đỉnh vinh quang chính là ở dàn diễn viên “đầy xúc cảm”. Bên cạnh sự diễn xuất rất tự nhiên của dàn diễn viên chính, CODA có một số diễn viên khiếm thính trong các vai diễn. Cách bộ phim đưa ngôn ngữ ký hiệu vào phim và vận hành một cách mạch lạc không chỉ dừng lại ở sự “diễn” đơn thuần, đây có thể là một yếu tố mạnh mẽ khiến nó gây được tiếng vang. 

 

Nam diễn viên phụ của phim Troy Kotsur, cũng giành chiến thắng trong hạng mục Nam diễn viên phụ hay nhất Oscar năm nay, trở thành nam diễn viên khiếm thính đầu tiên giành giải Oscar danh giá. Mặc khác, các giải Oscar những năm gần đây cũng nhận về nhiều phản hồi vì thiếu tính đa dạng và bao hàm trong các tác phẩm đoạt  giải. Do vậy, so với một CODA không những được xử lý rất đẹp về mặt câu chuyện, cảm xúc mà cồn bao hàm được cả những giá trị nhân văn sâu sắc, vừa vặn giải quyết được những vấn đề đau đầu của Oscar. Đây có lẽ cũng là một lý do khác khiến nó giành được giải Phim hay nhất.

(nguồn ảnh: IMDb)

So với tất cả những gì đã phân tích, điều quan trọng nhất để có thể khẳng định thành công đến với CODA là nhờ vào sự đặc biệt, đầu tư nghiêm túc vào chất lượng phim, sống và tỏa sáng bằng chính thực lực của tác phẩm. Nhạc phim cũng giúp bộ phim có những khoảnh khắc thăng hoa trong cảm xúc, một bộ phim vô cùng ngọt ngào, dịu dàng, sâu sắc và dễ hiểu. 

CODA là một bộ phim mà bạn có thể xem khi bản thân cần được xoa dịu và chữa lành nhất. Có lẽ kể từ bước ngoặt này, ánh nhìn và tư duy đánh giá khách quan của Viện Hàn lâm sẽ thay đổi ít nhiều khi kịch tính, cao trào mâu thuẫn, những chủ đề gai góc hay giọng nói châm biếm sắc sảo không còn là mấu chốt để ‘giật giải Oscar” nữa, quan trọng là ở ý nghĩa, giá trị mà phim mang lại từ hình ảnh, câu chuyện của nó. Những điều thường nhật tuy nhỏ nhoi nhưng đôi lúc lại mang đến những giá trị phi thường - đây là điều đã thiếu sót nhiều năm liền ở Oscar, khi mà các tác phẩm điện ảnh được tôn vinh quá u ám và bất hạnh về thông điệp lẫn ẩn ý. Nhờ có CODA, sự tươi sáng lẫn lạc quan đã trở lại với Oscar. Hy vọng rằng đây sẽ là một hiện tượng lâu dài ở giải thưởng này.

[embed]https://www.youtube.com/watch?v=0pmfrE1YL4I[/embed]

Có thể bạn muốn xem