Có những ngôi chùa Một Cột không nằm ở Hà Nội

Có những ngôi chùa Một Cột không nằm ở Hà Nội Trước nay, người ta vẫn biết thủ đô Hà Nội có ngôi chùa Một Cột nằm trên con phố cùng tên thuộc quận Ba Đình, được xây dựng từ thời nhà Lý. Không chỉ được đánh giá là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam và cả châu Á, chùa Một Cột còn là điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa ngàn năm của Thủ đô. Nhưng ít ai biết rằng, tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước cũng có những phiên bản ngôi chùa nổi tiếng này. >>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Việt Nam đầy đủ A – Z Những phiên bản chùa Một Cột không ở Hà Nội 1. Nam Thiên Nhất Trụ, TP. Hồ Chí Minh Nổi tiếng nhất trong số các ngôi chùa Một Cột tái dựng ngoài Hà Nội là Nam Thiên Nhất Trụ hay còn gọi...

Trước nay, người ta vẫn biết thủ đô Hà Nội có ngôi chùa Một Cột nằm trên con phố cùng tên thuộc quận Ba Đình, được xây dựng từ thời nhà Lý. Không chỉ được đánh giá là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam và cả châu Á, chùa Một Cột còn là điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa ngàn năm của Thủ đô. Nhưng ít ai biết rằng, tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước cũng có những phiên bản ngôi chùa nổi tiếng này.

>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Việt Nam đầy đủ A – Z

Những phiên bản chùa Một Cột không ở Hà Nội

1. Nam Thiên Nhất Trụ, TP. Hồ Chí Minh

Nổi tiếng nhất trong số các ngôi chùa Một Cột tái dựng ngoài Hà Nội là Nam Thiên Nhất Trụ hay còn gọi là chùa Một Cột Thủ Đức, nằm trên đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Theo các tài liệu, chùa được xây dựng từ năm 1958 do hòa thượng Thích Trí Dũng và các tăng ni của mình dựng nên. Đến năm 1977, ngôi chùa được hoàn tất và có tên gọi Nam Thiên Nhất Trụ như hiện nay.

Chùa một cột Nam Thiên Nhất Trụ
Chùa Nam Thiên Nhất Trụ nằm giữa hồ Long Nhãn (Ảnh: Wiki)

Với lối kiến trúc mô phỏng gần như chính xác phiên bản gốc, chỉ khác về mặt chất liệu, công trình chùa Một Cột ở Nam Thiên Nhất Trụ tự được xây dựng giữa hồ Long Nhãn, nghĩa là “mắt rồng” phía sau cổng tam quan với diện tích mặt nước khoảng 600m2. Phía sau là chánh điện, nhà Tú Ân, giảng đường và nhà lưu niệm.

Công trình chùa một cột ở Nam Thiên Nhất Trụ được đặt trên một cột cao khoảng 12m, đúc vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép. Mái chùa lợp ngói hình cong như chùa Một Cột Hà Nội, nhưng thấp và nhỏ hơn một chút.

Ở đây có nhiều pho tượng lớn như: tượng đức Phật Di Đà, đức Phật Thích Ca, đức Phật Di Lặc, tượng Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Địa Tạng… Sau ngôi chánh điện của chùa là nhà lưu niệm và bảo tháp Nam Thiên.

Để có được không gian và kiến trúc chùa như hiện nay, chùa Nam Thiên Nhất Trụ đã qua nhiều lần xây dựng và kiến tạo thêm. Chùa Nam Thiên Nhất Trụ được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo bậc nhất của đất Sài Gòn, trở thành địa điểm tham quan cho nhiều du khách thập phương đến chiêm ngưỡng một biểu tượng của Hà Nội thấp thoáng đâu đây giữa lòng Sài Gòn.

>> Xem thêm: Khám phá ngay những quán ốc ngon ‘quên sầu’ ở Hà Nội trong mùa đông này

2. Bảo Quang Tự, Quảng Ninh

Tọa lạc trên núi Ba Vàng thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, chùa Ba Vàng (Bảo Quang Tự) có lịch sử từ thời Trần, nhưng đến thế kỷ 20 chỉ còn là phế tích. Vào năm 2007, chùa được xây mới hoàn toàn trên quy mô lớn và khánh thành vào đầu năm 2014.

Chùa một cột-Chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng có một phiên bản chùa Một Cột (Ảnh: pconline)

Không chỉ là ngôi chùa có chính điện lớn nhất Việt Nam, chùa Ba Vàng còn mang nhiều nét kiến trúc độc đáo, trong đó có một phiên bản chùa Một Cột nằm ở chính giữa hồ bán nguyệt, phía trước cổng tam quan. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, ngôi chùa như một đóa sen nổi bật trên mặt nước, tạo nên sự hài hòa với những khoảng sáng tối ẩn hiện lung linh trong không gian tĩnh tại, thâm nghiêm.

Nằm trên sườn núi Ba Vàng với tầm nhìn bao quát toàn bộ thành phố Uông Bí, có thể nói đây là ngôi chùa Một Cột có vị trí đẹp nhất Việt Nam.

3. Làng cổ Phước Lộc Thọ, Long An

Tọa lạc ở ấp 2, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, làng cổ Phước Lộc Thọ là một khu du lịch sinh thái được xây dựng từ năm 2006 tập trung những mẫu nhà cổ độc đáo trong không gian rộng lớn.

Bên cạnh các ngôi nhà cổ, nơi đây cũng có một ngôi chùa Một Cột được phục dựng khá chi tiết, nằm giữa một ao nước rộng. Nằm giữa khung cảnh đậm nét thôn quê miền Nam, ngôi chùa Một Cột ở làng cổ Phước Lộc Thọ đem lại cho du khách một cảm giác thật thư thái và an nhiên. Làng cổ Phước Lộc Thọ là một điểm đến nổi bật ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được nhiều người biết đến với công trình mô phỏng chùa Một Cột ở Hà Nội. 

Chùa một cột làng cổ Phước Lộc Thọ
Làng cổ Phước Lộc Thọ là một điểm đến nổi bật ở huyện Đức Hòa (Ảnh: ivivu)

Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Làng cổ Phước Lộc Thọ là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ, hoa văn phong phú, đa dạng nhất Việt Nam. Theo đó, nơi đây hiện có hơn 22 căn nhà gỗ cổ mang phong cách cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, nằm giữa khung cảnh thiên nhiên sông nước hữu tình.

>> Xem thêm: Tour du lịch Hà Nội giá rẻ

4. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Cần Thơ

Đến huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, du khách có thể ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khánh thành vào năm 2014 với kiến trúc mang đậm nét văn hóa thời Lý – Trần. Trong nhiều hạng mục công trình ở đây như các vị La Hán, Quan Âm điện, Di Lặc điện, cổng tam quan, chính điện, tháp chuông, tháp trống, dãy hàng lang với tượng thì có một kiến trúc mô phỏng chùa Một Cột thu nhỏ giữa miền Tây đáng chú ý, thu hút du khách du lịch. Từ cổng vào thiền viện, du khách có thể thấy chùa nằm giữa ao nước nhỏ tựa như chùa ở Hà Nội.

Chùa Một Cột thu nhỏ giữa miền Tây
Chùa Một Cột thu nhỏ giữa miền Tây (Ảnh: Vnexpress)

Chùa đặt trên một trụ bằng gỗ, phần đế được xây bằng xi măng, cao chưa đến một mét so với mặt nước. Công trình được dựng từ 44 cột gỗ lim cỡ vòng tay ôm của người lớn. Tất cả cột trụ đều được đặt trên đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen nghệ thuật.

Phần chánh điện lợp ngói tám mái theo phong cách kiến trúc thời Trần, Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách thời Lý. Chánh điện nằm giữa khuôn viên thiền viện Trúc Lâm Phương Nam có 2 tầng 8 mái chạy dài, thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nặng 3,5 tấn, trên tay Phật cầm cành hoa niêm hoa vi tiếu.

Những phiên bản chùa Một Cột được phục dựng trên khắp đất nước hình chữ S cho thấy người dân Việt Nam vẫn ngàn đời thương nhớ đất Thăng Long, một lòng hướng về Thủ đô, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ giai đoạn nào của lịch sử dân tộc. Đừng quên theo dõi những tin tức du lịch Hà Nội mới nhất của chúng tôi.

Nguyễn Ngân

Có thể bạn muốn xem