Cà phê Hà Nội – Lãng du một không gian văn hóa mang hồn phố

“Phố cổ, nhà không cổ, nhưng hồn phố cổ vẫn còn đó.” Đâu đó, chưng cất trong những giọt cà phê phin đậm sánh văn hóa cà phê Hà Nội.  Nhìn lại lịch sử cà phê Hà Nội Cà phê theo chân người Pháp tới Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX. Khi các khu phố Pháp hình thành ở Hà Nội hồi đầu thế kỉ XX, những con đường quanh hồ Hoàn Kiếm cũng trở thành nơi khởi nguồn của văn hóa uống cà phê sẽ đồng hành cùng người dân Thủ đô đến tận bây giờ. Dần dần, cà phê được Việt hóa. Ảnh: zing Dần dần, cà phê được Việt hóa. Những quán thuần Việt bỏ cách

“Phố cổ, nhà không cổ, nhưng hồn phố cổ vẫn còn đó.” Đâu đó, chưng cất trong những giọt cà phê phin đậm sánh văn hóa cà phê Hà Nội. 

Nhìn lại lịch sử cà phê Hà Nội

Cà phê theo chân người Pháp tới Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX. Khi các khu phố Pháp hình thành ở Hà Nội hồi đầu thế kỉ XX, những con đường quanh hồ Hoàn Kiếm cũng trở thành nơi khởi nguồn của văn hóa uống cà phê sẽ đồng hành cùng người dân Thủ đô đến tận bây giờ.

Dần dần, cà phê được Việt hóa. Ảnh: zing

Dần dần, cà phê được Việt hóa. Những quán thuần Việt bỏ cách pha và cách rang xay kiểu Pháp. Cà phê Việt thường được rang với dầu bơ tạo vị ngậy, đôi khi pha trộn Arabica với Robusta hoặc các loại hạt rang thơm khác để tạo ra hương vị đậm đà riêng biệt.

Người Hà Nội không uống loãng, họ sẵn sàng chờ đợi cà phê phin tí tách rơi bên một tờ báo sáng, chờ cho hương và vị nồng nàn chưng cất trong từng giọt.

Người Hà Nội không uống cà phê loãng. Ảnh: dulichdaiduong

Những năm 80, Hà Nội xuất hiện tứ trụ lừng danh “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng”. Đó là bốn quán cà phê một chữ đã đánh dấu sự định hình của dòng mạch văn hóa cà phê Hà Nội. Những quán này thường tự có cách rang xay riêng biệt như một bí mật gia truyền, đến giờ chúng đã trở thành những di sản không tên gọi.

Các quán cà phê một chữ ở Hà Nội thường tự có cách rang xay riêng biệt như một bí mật gia truyền. Ảnh: traveloka

Có quán vẫn sừng sững, có quán đã phai nhạt danh tiếng. Giới sành cà phê Thủ đô vẫn không quên kể cho nhau nghe câu chuyện một thời, con người một thuở đã đặt những viên gạch đầu tiên để Hà Nội hôm nay được quốc tế vinh danh là một trong những điểm đến có cà phê ngon nhất thế giới.

Không gian văn hóa cà phê Hà Nội

Quán cà phê nhanh kiểu Mỹ hay quán cà phê phong cách hiện đại thường có một danh sách dài các kiểu đồ uống phong phú, còn một quán cà phê ở Hà Nội xưa thường chỉ độc hai món: nâu và đen.

Nâu là cà phê sữa pha với sữa đặc, còn đen là cà phê nguyên chất. Ai muốn uống lạnh thì gọi nâu đá, đen đá. Ngày nay, để hợp với xu thế phát triển, hầu hết các quán cà phê đều bổ sung vào thực đơn của mình nhiều món đồ uống khác, nhưng quán nào cũng giữ hai món đồ uống linh hồn không thể thiếu ấy.

Một quán cà phê ở Hà Nội xưa thường chỉ độc hai món: nâu và đen. Ảnh: ajisai.tran_

Người phương Tây uống cà phê để tỉnh táo đặng nhanh chóng giải quyết công việc. Với người Việt nói chung và trong văn hóa cà phê Hà Nội nói riêng, “đi cà phê” không chỉ là uống cà phê, nó còn có nghĩa là đi gặp gỡ bạn bè, đi… “sống chậm”.

Cũng không mấy ai lại đem công việc vào không gian của Đinh hay Giảng – nơi có những chiếc bàn và ghế thấp lè tè.

“Đi cà phê” không chỉ là uống cà phê, nó còn có nghĩa là đi gặp gỡ bạn bè, đi… “sống chậm”. Ảnh: zing

Không gian “kiểu Hà Nội cũ” ấy không cung cấp cho người ta chiếc bàn đủ rộng để đặt laptop, nó chỉ đủ cho mấy cốc nâu – đen, mấy người bạn hữu ngồi cùng nhau vừa nhâm nhi cà phê, vừa tâm tình. Hoặc giả chẳng có bạn hữu, chỉ có một mình ai đó chầm chậm nhấm vị cốc đen nhẫn đắng, trầm ngâm ngắm nhìn một góc đời bình lặng.

>> Xem thêm: Điểm danh loạt quán cà phê ngon view đẹp nhất Hà Nội

Những quán cà phê một chữ ngày nay

Cà phê Giảng 

Cà phê Giảng do cụ Nguyễn Văn Giảng mở vào thập niên 1940. Thương hiệu này đã có gần trăm năm lịch sử. Ngày nay nó nằm ở hai địa chỉ số 39 Nguyễn Hữu Huân và số 107 Yên Phụ. Hai cửa hàng này do hai người con ruột của cụ Giảng tiếp quản truyền thống gia đình đứng ra kinh doanh.

Giảng vẫn luôn là địa chỉ uống cà phê trứng ngon bậc nhất Thủ đô. Ảnh: thi.huyen.ng

Nhắc đến cà phê Giảng không thể nào không nhắc đến món cà phê trứng – món đồ uống vang danh văn hóa cà phê Hà Nội. Trước khi ra riêng, cụ Nguyễn Văn Giảng là đầu bếp pha chế tại khách sạn năm sao Metropole ở Hà Nội, một chốn sang trọng bậc nhất Đông Dương thời đó.

Suốt thập niên 1930 cho đến Chiến tranh thế giới thứ 2, thực phẩm vô cùng khan hiếm, cụ đã dựa theo công thức pha cappuccino, dùng trứng thay sữa sáng tạo ra cà phê trứng.

Thương hiệu này đến nay đã có gần trăm năm lịch sử. Ảnh: hauthuy

Ngày nay, nhiều quán cà phê cũng đưa cà phê trứng vào thực đơn. Nó trở thành một món đồ uống đặc trưng của Hà Nội. Còn Giảng vẫn luôn là địa chỉ uống cà phê trứng ngon bậc nhất Thủ đô.

Cà phê Đinh

Nói Giảng thì không thể quên Đinh. Trước kia quán tên Bích, tên của nữ chủ quán, cũng là con gái cụ Giảng. Sau này, quán được đổi sang Đinh vì một lý do rất đơn giản: Quán nằm ở số 13 đường Đinh Tiên Hoàng cạnh hồ Hoàn Kiếm.

Chỗ ngồi được yêu thích nhất tại quán là góc ban công nhìn ra hồ Gươm. Ảnh: muomnemo

Đinh nằm trên gác hai của một ngôi nhà cổ theo kiến trúc Pháp. Đường lên quán khá lắt léo theo kiểu rất… Phố cổ, bạn phải đi qua một quán bán túi bên dưới, rồi mới tới cầu thang lên gác hai.

Chỗ ngồi được yêu thích nhất tại quán là góc ban công nhìn ra hồ. Hương vị ở Đinh vẫn luôn đặc sắc văn hóa cà phê Hà Nội, đáng tiếc hiện nay chỗ ngồi này không mở cửa cho du khách nữa.

Hương vị cà phê Hà Nội ở Đinh vẫn luôn đặc sắc. Ảnh: trucnguyen2015

Cà phê Lâm 

Cà phê Lâm cũng là một nơi cất chứa nhiều kí ức Hà Nội. Quán nằm ở số 60 Nguyễn Hữu Huân. Ông chủ cũ tên Nguyễn Văn Lâm. Ông bắt đầu bán cà phê bằng xe đẩy ở vườn hoa Chí Linh từ khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ trước.

Nhà văn Nguyễn Tuân đã nói vui rằng: "Hữu ngạn sông Saine có bảo tàng Louvre, tả ngạn sông Hồng có cà phê Lâm". Ảnh: peashalala

Điều đặc biệt vô cùng của quán cà phê này là bộ sưu tập tranh vô giá của ông chủ. Ông quen biết nhiều họa sĩ ghé quán uống cà phê. Lúc đó ông chủ chẳng giàu có gì cũng hào phóng cho mấy tay nghệ sĩ nghèo là khách quen vay tiền mua vật liệu, thuốc vẽ.

Hồi thập niên 60 - 70, cà phê Lâm quả thực là “La Rotonde” của nhiều văn nghệ sĩ cự phách như Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyên Hồng, Dương Bích Liên, Hoàng Lập Ngôn...

Cà phê Lâm cũng là một nơi cất chứa nhiều kí ức Hà Nội. Ảnh: littlequanzz

Cà phê Thái 

Thái lại là một sắc điệu văn hóa cà phê Hà Nội riêng. Quán nằm ở số 27 Triệu Việt Vương từ hàng chục năm nay. Cà Phê Thái khởi nguồn từ hương vị những gánh cà phê rong thời Pháp thuộc, được cụ Thái phát triển thành quán cà phê bình dân.

Cà Phê Thái khởi nguồn từ hương vị những gánh cà phê rong thời Pháp thuộc. Ảnh: dicaphekhong

Quán trải qua nhiều cái tên như quán ông già, quán bò, quán trung tâm rồi cà phê mộc, cà phê xổm,… rồi cuối cùng, đúng phong cách Hà Nội, chỉ còn độc một chữ “Thái”.

Đến Thái, khách hàng được thưởng thức cà phê trong không gian “vỉa hè” đầy hoài niệm, ngắm tấm biển hiệu cổ kính, những chiếc bàn gỗ mộc mạc. Thái là nơi có bức tường ghi dòng chữ “Hà Nội ở đây rồi”, “Đến Hà Nội làm cốc nâu” mà giới trẻ Hà Thành nô nức check in.

Đến Thái, khách hàng được thưởng thức cà phê trong không gian cà phê “vỉa hè” đầy hoài niệm. Ảnh: traangpham

Khách du lịch Hà Nội đừng quên ghé những quán cà phê một chữ, gọi một cốc nâu – đen – cà phê trứng. Thậm chí cả những người không biết uống vị đắng, thì gọi một cốc cacao trứng nhâm nhi, lắng nghe hương cà phê, và chầm chậm uống một điều gì nằm trong văn hóa cà phê Hà Nội, trong hồn cách Hà Thành xưa.

Có thể bạn muốn xem