BREAKFAST AT TIFFANY’S (1961) – KHÔNG HẲN CHỈ LÀ MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH

BREAKFAST AT TIFFANY’S (1961) – KHÔNG HẲN CHỈ LÀ MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH Thói quen xem một phim nhiều lần của tôi thực ra lắm lúc cũng đem đến vài khám phá thú vị. Tới lần thứ 3 xem Breakfast at Tiffany’s (1961), tôi mới nhận ra rằng: bộ phim này bắt đầu bằng cảnh trước cửa tiệm kim hoàn, ngập tràn những...

Thói quen xem một phim nhiều lần của tôi thực ra lắm lúc cũng đem đến vài khám phá thú vị. Tới lần thứ 3 xem Breakfast at Tiffany’s (1961), tôi mới nhận ra rằng: bộ phim này bắt đầu bằng cảnh trước cửa tiệm kim hoàn, ngập tràn những thứ đồ trang sức đẹp đẽ … nhưng lại kết thúc khi hai nhân vật chính đứng dưới cơn mưa tầm tã trong một con hẻm tồi tàn “đúng chất” New York. Còn tâm trạng của người xem thì ngược lại hoàn toàn, ở đầu phim, nếu chúng ta cảm thấy mơ hồ và vô định bao nhiêu, thì đến cuối tác phẩm điện ảnh lãng mạn tiêu biểu của thập kỷ 60 này, có lẽ hiếm ai lại không cảm thấy “vỡ òa”.

…….

Với vô vàn những buổi tiệc ồn ã thâu đêm, những trang phục sang trọng, những cuộc tình chớp nhoáng giữa tầng lớp thượng lưu New York … Breakfast at Tiffany’s dễ khiến khán giả tưởng nhầm nó sẽ xoay quanh một cái cốt truyện khá … nông và nhàm. Thực ra, cảm nhận ban đầu của tôi trước hai nhân vật chính Holly Golightly và Paul Varjak do Audrey Hepburn cùng George Peppard thủ vai cũng … tương tự thế: họ đẹp, hay thậm chí phải nói là quá đẹp, nhưng vẫn có gì đó nhạt nhẽo giống đóa hoa nhựa, cho dù không thiếu các khoảnh khắc hài hước duyên dáng.

Tuy nhiên, khi bộ phim đã cơ bản hoàn thành xong việc xây dựng tính cách nhân vật, đạo diễn Blake Edwards lại mở cho chúng ta một con đường mới, một góc nhìn mới về Holly và Paul, bỏ qua tất cả những gì hào hoa, họ chỉ là hai con người với những âu lo riêng, những ước mơ cũng như những giới hạn không đủ sức mạnh để vượt qua.

…….

Thật đáng tiếc vì tôi không phải là kẻ am hiểu lắm về thời trang. Khi xem phim, ngoài việc khen các trang phục mà diễn viên đang mặc ngoài hai chữ: đẹp và tinh tế; thì tôi cũng chẳng biết phải diễn tả thêm như thế nào.

Mặt khác, tôi lại khá bất ngờ là ít người nhắc đến yếu tố quay phim ở tác phẩm này. Diễn ra với một số lượng khung cảnh có hạn và chiếm tới 80% thời lượng phim là các cảnh quay trong nhà, Breakfast at Tiffany’s vẫn làm thỏa mãn thị giác khán giả với nhiều góc quay sáng tạo và không hề bị trùng lặp. Ngoài yếu tố chính kể trên, việc kết hợp nhuần nhuyễn màu sắc tương phản cùng phong cách trang trí nội thất cổ điển và hiện đại, Hollywood và New York, cũng góp phần không nhỏ cho sự thành công ấy. Thậm chí, với cảnh quay phía dưới, thật sự tôi đã rất thích thú khi nó đạt được hiệu quả tuyệt vời mà chẳng cần làm quá cùng các kỹ thuật phức tạp.

…….

Breakfast at Tiffany’s đề cập một cách khá thẳng thắn (đến mức có phần hơi trơ trẽn) khi nói đến tầm quan trọng của vật chất trong cuộc sống.

Tiền có thể mua được hạnh phúc và chính nó cũng là thứ nuôi dưỡng những giấc mơ dù là xa vời nhất. Paul lẫn Holly đều không còn trẻ tuổi ngây thơ, họ đủ già dặn và từng trải để hiểu điều đó, đủ để chấp nhận sống trong một thế giới đôi khi phải quên đi rằng mình vẫn có lòng tự trọng. Với đôi bàn tay trắng, lựa chọn trở thành một món đồ chơi, một phương tiện giải khuây cho những kẻ giàu sang và mong vận may sẽ mỉm cười không phải là hướng đi duy nhất, nhưng nó chắc chắn là con đường “êm ái dễ dàng”.

…….

Chúng ta – những khán giả sành sỏi hẳn đã biết thừa motip cũ nhèm này, chỉ cần tình yêu đến, chắc chắn mọi kế hoạch sẽ bị đổ bể.

Kế hoạch của Holly Golightly đã dày công chuẩn bị thì không như thế. Nó trơ lỳ trước mọi lời nói yêu thương – chân thành – không biết mệt mỏi đến từ anh chàng nhà văn Paul Varjak tội nghiệp.

Ở tuổi 32, Audrey Hepburn nhập vai cô gái tham vọng và đam mê vật chất chẳng hề có chút gượng gạo, dù bà nhiều lần đề cập đây là một trong những thử thách khó khăn nhất khi nhìn lại nghiệp diễn của mình. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì Audrey là người hướng nội, khép kín, thậm chí còn luôn tự nhận bản thân chẳng có gì hấp dẫn. Và hẳn đấy là lý do nhân vật Holly Golightly dù có những hành động quá quắt, cứng đầu đến đâu, khán giả vẫn luôn cảm nhận được qua ánh mắt, cử chỉ của cô, ẩn sâu còn những uẩn khúc, những nỗi sợ hãi không thể nói ra.

…….

Chính vì lẽ đó, dù vẫn còn nhiều hạn chế trong nội dung, với bản thân tôi, có lẽ Breakfast at Tiffany’s không hẳn chỉ là một câu chuyện tình như nhiều bộ phim romance khác. Chẳng tôn vinh “sức mạnh tình yêu” vô điều kiện, nó đưa mọi thứ đi sâu hơn, bắt người xem suy nghĩ nhiều hơn trước những lựa chọn của nhân vật.

Và dù cho những lựa chọn đó là đúng đắn hay sai lầm, giữa việc chấp nhận để bản thân có thể bị tổn thương thêm một lần nữa hoặc trở thành một chú chim tự do, vô lo vô nghĩ, tất cả đều tùy thuộc vào lòng can đảm của bạn.

Trong nhiều con đường để đến với hạnh phúc, kẻ dại khờ luôn chọn cách khó khăn.

Moon river, wider than a mileI’m crossing you in style some dayOh, dream maker, you heart breakerWherever you’re going, I’m going your way

Moon River

Nguồn: Blacksnow308

Có thể bạn muốn xem