Bảo hiểm cháy nổ tại các khu chung cư: Chưa cháy, chưa mua

Bảo hiểm cháy nổ tại các khu chung cư: Chưa cháy, chưa mua Sau vụ cháy ở tầng 18 khu chung cư JSC 34 Lê Văn Lương (Thanh Xuân – Hà Nội), chủ đầu tư nhận trách nhiệm bồi thường, nhưng họ chưa mua bảo hiểm cháy nổ (BHCN), còn các chủ hộ thì… chưa nghe nói đến. Nhiều người sống ở chung cư khi hỏi còn ngơ ngác không biết rằng mình phải có trách nhiệm mua BHCN bắt buộc, trong khi nhiều chủ đầu tư khi xây nhà đang cố tình “quên” quy định này. Hàng trăm ngàn người đối mặt với rủi ro Theo số liệu thống kê chưa chính thức, trên cả nước, có khoảng vài trăm nghìn hộ gia đình sống ở căn hộ chung cư. Nếu cứ tính trung bình mỗi gia đình có 4 khẩu, thì số người đang sống tại các khu chung cư này cũng ngót nghét cả triệu người. Thế nhưng, con số...
quảng cáo

Sau vụ cháy ở tầng 18 khu chung cư JSC 34 Lê Văn Lương (Thanh Xuân – Hà Nội), chủ đầu tư nhận trách nhiệm bồi thường, nhưng họ chưa mua bảo hiểm cháy nổ (BHCN), còn các chủ hộ thì… chưa nghe nói đến. Nhiều người sống ở chung cư khi hỏi còn ngơ ngác không biết rằng mình phải có trách nhiệm mua BHCN bắt buộc, trong khi nhiều chủ đầu tư khi xây nhà đang cố tình “quên” quy định này.

Hàng trăm ngàn người đối mặt với rủi ro

Theo số liệu thống kê chưa chính thức, trên cả nước, có khoảng vài trăm nghìn hộ gia đình sống ở căn hộ chung cư. Nếu cứ tính trung bình mỗi gia đình có 4 khẩu, thì số người đang sống tại các khu chung cư này cũng ngót nghét cả triệu người.

Thế nhưng, con số mua BHCN cho môi trường sống này gần như bị quên lãng. Nhiều người dân sống ở các khu chung cư đều ngớ người ra khi nghe về BHCN. Anh Huy Trường, nhà T7, khu Happy House Garden, đô thị mới Việt Hưng cho biết: Mặc dù đã sống ở đây gần nửa năm trời, nhưng anh chưa bao giờ nghe ai nói đến việc bán hay mua BHCN. Đến khi vụ hỏa hoạn ở Thanh Xuân xảy ra, moi người trong khu mới tá hỏa hỏi nhau nhưng đều… không biết…

Rủi ro cháy nổ với các toà nhà cao tầng thuộc diện bắt buộc mua bảo hiểm và đã được pháp luật quy định, song các chủ đầu tư không mấy khi quan tâm tới việc này, vì vậy thực tế có rất nhiều chung cư chưa mua bảo hiểm.

Theo ông Vinh, phụ trách nghiệp vụ về BHCN của Bảo hiểm Bảo Việt thì cái khó bắt đầu từ chính ý thức của người dân. Bảo Việt đã vận động nhân dân tham gia mua BHCN tự nguyện, nhưng hầu như không có mấy người mặn mà vì chủ quan cho rằng những vụ cháy đó là chuyện hỏa hoạn và ở… chung cư khác.

Ngay cả chủ đầu tư, những người sẽ phải chịu trách nhiệm một phần nếu xảy ra cháy nổ cũng hầu như chưa quan tâm, nên chỉ trang bị thiết bị PCCC cơ bản. Điều này thể hiện rất rõ trong quá trình xây dựng và sinh sống tại các khu đô thị ở miền Bắc, còn phía Nam, lác đác cũng có một số người dân sống ở chung cư, một số chủ đầu tư chấp nhận mua nhưng con số này cũng không nhiều. Trong lĩnh vực kinh doanh BHCN của Tổng Công ty Bảo Việt, nhóm khách hàng chung cư, nhà cao tầng chỉ chiếm chưa đầy 5%.

Cả chủ đầu tư và người dân còn thờ ơ với quy định BHCN

Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát (Bộ Tài chính), sau 2 năm triển khai quy định chế độ BHCN bắt buộc, tổng số cơ sở có nguy cơ cháy nổ thuộc diện phải mua BHCN bắt buộc trên toàn quốc là hơn 30.000 cơ sở, nhưng mới chỉ có chưa đầy 13.000 cơ sở mua BHCN, chiếm khoảng 42%.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: Mỗi năm, ngành Bảo hiểm mới bán được khoảng 100 tỷ đồng/1.100 tỷ đồng tiền bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Như vậy, con số mua bảo hiểm mới chỉ chiếm chưa đầy 10% so với thực tế, đấy là chưa kể một số lượng không thống kê được đang tìm mọi cách “trốn” nghĩa vụ này. Trong 100 tỷ mà ngành Bảo hiểm bán được hàng năm, theo ông Lộc, chủ yếu là của các DN kinh doanh xăng dầu, vì nguy cơ cháy nổ của mặt hàng này cao nên không thể bỏ qua.

Lý giải cho việc nhiều cơ sở, chủ đầu tư trốn mua BHCN bắt buộc, bà Lê Thị Thu, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn cho rằng vì khi mua bảo hiểm bắt buộc, các DN phải trả phí cao hơn so với bảo hiểm tự nguyện, nên nhiều chủ đầu tư xây chung cư đã đẩy trách nhiệm đó cho các chủ hộ. Với mức thu trích 5% từ tổng số tiền thu được từ BHCN cho quỹ phòng chống cháy nổ, năm 2008, Cục chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng. Con số này của năm 2009 là hơn 4 tỷ. Tuy mức thu có tăng hơn, nhưng thực tế, số thu này không thấm vào đâu so với lượng người phải mua BHCN bắt buộc.

“Đã gọi là bảo hiểm bắt buộc thì cần phải có chế tài để người mua thực hiện. Khi mua bảo hiểm dân sự cho phương tiện giao thông, lực lượng Công an đã có hình thức xử phạt, vậy nếu đối tượng trong diện phải mua BHCN bắt buộc mà không thực hiện thì lực lượng Công an cũng nên can thiệp”, ông Phùng Đắc Lộc đề nghị.

Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một thực tế là khi muốn mua BHCN cho các khu chung cư, bắt buộc những đối tượng này phải có chứng nhận đảm bảo an toàn về PCCC, trong khi đó, hầu hết các căn hộ chung cư đều mới chỉ có các phương tiện chữa cháy, còn nếu chiếu theo các tiêu chí để cấp chứng nhận an toàn PCCC thì ít có nơi nào đạt được.

Ông Lộc còn kể một câu chuyện “vui mà không cười nổi”: Khi tổng kết 1 năm thực hiện BHCN bắt buộc tại trụ sở của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt tại phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, mọi người mới phát hiện ra toà nhà 9 tầng, nơi thường ngày có tới 160 người làm việc, cũng chưa hề có BHCN vì chưa được cấp chứng chỉ an toàn phòng cháy chữa cháy.

“Đây thực sự là một điều bất cập, mà bất cập này ngay từ Luật PCCC khi chỉ quan tâm tới tài sản, chưa quan tâm tới tính mạng của con người. Theo tôi, việc cấp giấy chứng nhận an toàn PCCC rồi mới được mua bảo hiểm là quy định đã cũ, cách đây 10 năm rồi và trong thời điểm hiện nay, cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp”, ông Lộc kiến nghị

Lệ Thuý
cand.com.vn