bảo hiểm, bao hiem, baohiem, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm ô tô, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm tài sản, GINET
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 23/2007/QĐ-BTC ngày 9/4/2007 về sửa đổi chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Sau đây là cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Phạm Đình Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính về vấn đề này.
Thưa ông, tại sao Bộ Tài chính lại quyết định sửa đổi chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự ủa chủ xe cơ giới theo Quyết định số 23/2003/QĐ-BTC trước đây vào thời điểm này?
Từ khi triển khai Quyết định 23/2003/QĐ-BTC ngày 25/2/2003 (Quyết định 23 cũ) đến nay, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hiện nay như: mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc đối với người và tài sản hiện nay tương đối thấp so với các chi phí đền bù, khắc phục hậu quả tai nạn thực tế, cách xác định mức bồi thường thiệt hại hiện tại còn nhiều thủ tục hành chính chưa phù hợp và thực tế dễ dẫn đến không công bằng, thời gian giải quyết bồi thường dài, nhiều trường hợp trục lợi bảo hiểm.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới cũng còn một số tồn tại như: địa điểm bán bảo hiểm còn hạn chế, thủ tục xem xét giải quyết bồi thường bảo hiểm còn rườm rà, yêu cầu nhiều giấy tờ mà trên thực tế chủ xe rất khó thu thập, chưa nhanh chóng kịp thời để giải quyết khó khăn về tài chính của chủ xe trong việc giải quyết tai nạn gây tâm lý không tốt tới chủ phương tiện về ý thức tham gia bảo hiểm.
Việc tuyên truyền quảng bá cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng khi triển khai Quyết định 23 cũng chưa thực sự tốt, việc xử lý các trường hợp vi phạm có phần lơi lỏng, chưa cương quyết dẫn đến nhiều trường hợp mua bảo hiểm (đặc biệt là với xe mô tô) chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
Người tham gia bảo hiểm chưa thực sự quan tâm, chưa hiểu quyền và trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm dẫn đến phát sinh tranh chấp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe mô tô thấp (chỉ đạt khoảng 30-35% số xe máy và mô tô được phép lưu hành).
Với tư cách là cơ quan nghiên cứu và ban hành những quy tắc mới, Bộ Tài chính sẽ kỳ vọng gì ở Quyết định 23/2007/QĐ-BTC ngày 9/4/2007, thưa ông?
Chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ra đời xuất phát từ lợi ích chung của cộng đồng cũng như lợi ích riêng của từng người dân, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của những người tham gia giao thông, kịp thời ổn định cuộc sống và tình hình tài chính của các bên sau khi xảy ra tai nạn. Cũng chính xuất phát từ lý do này mà hầu hết các nước trên thế giới đều coi bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba là một trong những loại hình bảo hiểm bắt buộc cơ bản.
Kỳ vọng của cơ quan ban hành cơ chế chính sách bao giờ cũng là cơ chế chính sách mới phải giải đáp và khắc phục những tồn tại cũ và đi vào cuộc sống. Đây là kỳ vọng, còn thực tế có đạt được như vậy hay không thì còn phải chờ thực tế. Với quan điểm sửa đổi: đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, những vướng mắc lớn của Quyết định 23 cũ về cơ bản đã được khắc phục trong Quyết định 23 mới.
Tuy những năm qua, việc tuyên truyền và phổ cập về bảo hiểm luôn được thực hiện song hiệu quả vẫn chưa cao. Thưa ông, tồn tại này sẽ được giải quyết thế nào trong Quyết định mới?
Lần này trong Quyết định 23 mới, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đề ra một biện pháp là lập ra một quỹ tuyên truyền an toàn giao thông. Quỹ sẽ trích 2% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới của các doanh nghiệp, để nhắm tới 4 mục tiêu.
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, các ban ngành để tổ chức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông và chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Thứ hai, tài trợ, hỗ trợ các phương tiện, vật chất để đề phòng, hạn chế tai nạn giao thông đường bộ. Thứ ba, hỗ trợ bồi thường cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn. Thứ tư, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đề phòng và hạn chế tổn thất tai nạn giao thông.
Như ông nói, một trong những thay đổi về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới là tăng mức trách nhiệm đối với bên thứ ba. Cụ thể của sự thay đổi này là như thế nào, thưa ông?
Đối với mô tô, mức trách nhiệm vẫn giữ nguyên là 30 triệu đồng/người. Riêng với ô tô, mức trách nhiệm tăng 1,67 lần nhưng mức phí chỉ tăng hơn 1,5 lần.
Tại sao chỉ tăng mức trách nhiệm đối với ô tô mà không phải là mô tô, thưa ông?
Hiện nay, số lượng xe máy chiếm tới gần 95% tổng số xe cơ giới đăng ký. Vì vậy, nếu tăng mức trách nhiệm đối với xe máy, dẫn tới tăng mức phí bảo hiểm, sẽ có tác động đến số đông chủ xe. Vì vậy Quyết định 23 mới sẽ giữ nguyên mức trách nhiệm và biểu phí đối với xe máy như tại Quyết định 23 cũ. Nhưng riêng với ô tô, hiện tỷ lệ tham gia mua bảo hiểm đã đạt 80% và tỷ lệ bồi thường trên thực tế cũng khá cao nhưng vẫn tính còn có thể tăng lên được nữa nên mức trách nhiệm được tăng thêm 1,67 lần nhưng phí chỉ tăng lên 1,5 lần.